|
Công nhân trên dây chuyền tại xưởng gia công thuộc Công ty Bình Hòa
|
Bên trong toà dinh thự nhiều năm tuổi trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội, là một trong năm doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được chính phủ lựa chọn thí điểm cổ phần hoá cấp tổng công ty. Với 14 công ty thành viên và tổng giá trị khoảng 400 tỉ đồng, Tổng công ty Điện tử và Tin học (VEIC) dự kiến sẽ “nhân đôi giá trị của mình” sau khi quá trình cổ phần hoá được hoàn tất vào cuối năm nay như lời ông Bùi Quang Độ, Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Sự kiện mang tính bước ngoặt này của VEIC đang diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Về nguyên tắc, hội nhập quốc tế cũng đồng nghĩa với cạnh tranh gay gắt.
Theo biểu thuế của AFTA, thuế nhập khẩu sản phẩm điện tử nguyên chiếc từ các nước ASEAN là 0-5% trong khi thuế nhập khẩu linh kiện từ các nước ASEAN là 0-5% và từ ngoài ASEAN là 8-20%. Với mức thuế như thế, “chưa kể các dịch vụ sau bán hàng, Việt Nam hầu như không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu về chất lượng và chủng loại ngay tại thị truờng trong nước”, ông Độ đánh giá.
Năm ngoái, Việt Nam đã bất ngờ đạt được con số 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử. Thế nhưng sẽ không phải lạc quan lắm khi biết rằng hơn 90% trong tổng kim ngạch đó đến từ các công ty liên doanh và 100% vốn nước ngoài với những tên tuổi như Fujitsu và Canon. Phần đóng góp của ngành công nghiệp điện tử nội địa quá khiêm tốn, chỉ khoảng 20 triệu USD và chủ yếu là nhờ gia công xuất khẩu cụm linh kiện.
Đứng trước mục tiêu “nhân đôi giá trị” và tăng cường khả năng cạnh tranh, VEIC đặt cược không chỉ vào quá trình nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư mà còn vào xác định lại chiến lược phát triển. TCT chuyển dần từ sản xuất hàng điện tử dân dụng sang điện tử chuyên dụng và phát triển phần mềm. Sản xuất thiết bị điện tử y tế, điện tử thông tin hàng không, hàng hải, hay phát triển phần mềm mã nguồn mở (Linux tiếng Việt) là những bước đi đầu tiên đang được tiến hành.
Xu hướng này cũng được thấy rõ trong chuyến đi sang Mỹ tháng 6 vừa qua khi mà ông Bùi Quang Độ, đại diện VEIC đã có cuộc tiếp xúc với một công ty phần mềm về âm nhạc, công ty điện tử viễn thông Viet Network, bàn bạc với một công ty Canada về kế hoạch hợp tác đào tạo về công nghệ thông tin cho Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics trực thuộc TCT. “Chúng tôi làm việc với các đối tác Hoa Kỳ và Canada trước hết để kêu gọi đầu tư về vốn và công nghệ cũng như thành lập các liên doanh sản xuất phần mềm, sau đó mới tính đến việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ”, ông Độ cho biết. Mặc dù những con số chưa nói lên nhiều nhưng thận trọng xây dựng những quan hệ với một thị trường tiềm năng và mở cửa như Hoa Kỳ, VEIC hi vọng vào một giai đoạn phát triển hoàn toàn mới.