• Tăng trưởng của Việt Nam năm nay chỉ có 7%?
  • 14:52 30/09/2005
  • Xem hình

    Citigroup cho rằng lạm phát (CPI) năm 2005 sẽ là 7%. (Ảnh: Nguyên Vũ)

    Citigroup đánh giá chỉ số tăng trưởng và chỉ số CPI năm nay đều thấp hơn kế hoạch của Chính phủ VN. Họ cũng cho rằng tín dụng đang quá nóng.

    Hôm qua (29/9), Tập đoàn tài chính toàn cầu Citigroup đã tổ chức Hội thảo " Chèo lái nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn" tại Hà Nội nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam những thông tin mới nhất về xu hướng và những biến động của nền kinh tế thế giới.

    Ông Sim Moh Siong cho biết, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và tính toán của Citigroup, tăng trưởng tín dụng trong năm 2005 tại Việt Nam có thể lên tới khoảng 35%. Thậm chí, có thời điểm vào dịp cuối năm sẽ lên tới 40% mặc dù các thông số công bố tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng nội địa và mục tiêu của Chính phủ đang là dưới 25%.

    Điều này có thể khiến nợ xấu và chất lượng cho vay ngày càng là vấn đề nghiêm trọng với các ngân hàng thương mại, nhất là khối quốc doanh.

    Tăng trưởng năm 2005 chỉ 7%

    Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức do tăng trưởng chững lại và lạm phát tăng cao. Xuất khẩu Việt Nam hiện cũng đang chững lại ở hầu hết các mặt hàng. Tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm nay được dự báo sẽ ở mức 7% và 7,5% vào năm 2006. " Bên cạnh đó, việc đàm phán gia nhập WTO sẽ là chất xúc tác rất quan trọng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam", ông Sim Moh Siong nói.

    Các nghiên cứu của Tập đoàn này cũng cho rằng, tại Việt Nam, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư của khối Nhà nước khiến nhu cầu vốn trong nước vẫn tăng cao. Theo dự báo, lạm phát sẽ tăng từ từ. Citigroup cho rằng lạm phát (CPI) năm 2005 sẽ là 7% trong khi các phân tích của chuyên gia thị trường được công bố đồng thời cho rằng CPI năm nay có thể tới 7,7%.

    Chỉ số CPI năm 2006 được Citigroup dự báo 6% và các chuyên gia dự báo 6,1%.

    Ông Sim Moh Siong cũng cho rằng, mức lạm phát đăng tăng lên ở hầu hết các nước châu Á. Và lãi suất ngân hàng sẽ không tăng lên đáng kể trong 3 tháng cuối năm. Nhưng lãi suất quý 1 và 2/2006 sẽ tăng tiếp.

    Cũng theo những phân tích có tính chất dự báo của Citigroup, biến động tỷ giá trong dài hạn của VND so với USD trong năm 2005 sẽ là 1 USD "ăn" 15.852 VND. Con số này trong năm 2006 sẽ là 16.020; 2007 và 2008 là 16.100 và năm 2009 là 15.200.

    Các đồng tiền châu Á sẽ mạnh hơn

    Không chỉ đồng tiền Việt Nam tăng giá so với USD, trong 1-2 năm tới, các đồng tiền châu Á khác sẽ mạnh lên từ từ. Trong bảng thống kê của Citigroup, Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng tới 8% năm 2006.

    Đồng Nhân dân tệ (YCN) vì thế sẽ tăng dần giá trị so với đồng USD, dự kiến sẽ lần lượt ở mức 8203 YCN/USD năm 2005, 7793 năm 2006, 7326 năm 2007, 6813 năm 2008 và 6336 năm 2009.

    Việc thay đổi chế độ tỷ giá Nhân dân tệ được các chuyên gia cho là bước khởi đầu cho sự lên giá của Nhân dân tệ và các đồng tiền châu Á khác trong trung hạn. Đây cũng là bước giảm sức ép của thế giới và giảm sức nóng của nền kinh tế Trung Quốc.

    Theo đà phát triển của kinh tế châu Á, đồng Bath Thái Lan, đồng Peso của Philipines, Đồng Ringit của Malaysia, Đôla Singapore, Đồng Won của Hàn Quốc, đồng đôla của Đài Loan được dự báo đều tăng giá so với đồng USD.

    DN nên có kế hoạch tài chính

    Qua việc phân tích những biến động của nền kinh tế thế giới và khu vực, ông Charly Madan - Tổng Giám Đốc Citibank Việt Nam - cho rằng, các doanh nghiệp nên nắm bắt tình hình kinh tế khu vực để làm cơ sở xây dựng kế hoạch tài chính mang tính thực tế và phù hợp với thực lực của mỗi doanh nghịêp cho năm 2006 sắp đến gần. " Việc lập ngân sách tài chính phù hợp cho doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả. Một kế hoạch tài chính hiệu quả phải dựa trên những thông tin phân tích chính xác về tình hình và xu thế của thị trường kinh tế khu vực và thế giới", ông Charly Madan nói.

    Theo ông, trước mắt, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Và dù cho có rất nhiều cách để nhận biết những vấn đề này, các công ty vẫn luôn cần chủ động chuẩn bị các biện pháp cũng như sử dụng các công cụ quản lý rủi ro hiện có.

    Citibank thuộc Tập đoàn tài chính toàn cầu Citigroup, có mặt tại Việt Nam từ năm 1993.

  • Vietnamnet