• Suy nghĩ về một điều giản dị : Làm đâu sạch đấy
  • 14:52 12/10/2005
  • Xem hình

    Hãy cùng tồn tại trong môi trường lành mạnh

    (Bài viết nhân ngày môi trường thế giới) Đã từ lâu, các cụ đã dạy con cháu từ bé đã phải tập phong cách làm đâu sạch đấy, vào việc gì cũng phải suy tính bắt đầu từ đâu, kết thúc ở đâu và như thế nào. Các thầy cô giáo cũng dạy học sinh như thế.

    Có lẽ bây giờ, trừ đối với bọn phá rừng, còn hãy lại nói cho mọi người và các doanh nghiệp cũng cần có cách làm việc làm đâu sạch đấy, bởi vì loài người và muôn loài sinh vật chỉ có một Trái đất này làm nơi tồn tại sinh sống duy nhất. Vâng, hẳn là vấn đề không mới, mà lại đang được nói đến nhiều, hay chăng những suy nghĩ được nêu trong bài này có thể không cần thiết?

    Nhưng cứ xót xa, mỗi khi nghe thông báo về lỗ thủng tầng ôzôn ngày càng to ra, rồi hiệu ứng nhà kính trên trái đất, hệ thống sinh học đa dạng ngày càng bị đe doạ bị huỷ diệt, không khí đang nóng lên, băng ở các cực Trái Đất đang tan, ô nhiễm môi trường, nguồn nước, không khí, rừng bị phá, lũ lụt thiên tai, hưu hỏng cấu trúc địa tầng và hệ nước ngầm, sa mạc hóa.... Chả nhẽ con người đang tự huỷ diệt mình cùng muôn loài sinh linh mà cứ như cố tình không biết?

    Nhiều Ông chủ Bà chủ, giám đốc còn khó chịu và lập luận:” Ông cứ lý thuyết, doanh nghiệp mà đầu tư cho sử lý chất thải công nghệ, tiền giá thành tăng cao, cạnh tranh sao được?“. Vâng nghe như thế cũng là một lý do như có tính thực tế, kinh tế và thể hiện sự khôn ngoan...

    Nhưng thế còn hiện nay, do không nghiêm khắc trong việc các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, bệnh viện,... không sử lý nghiêm tức chất thải, để rồi chúng ta đang ăn uống nước nhiễm chất độc gốc chất asen, nhiễm các hợp chất kim loại nặng, các chất hữu cơ nguy hiểm...và bao nhiêu kiểu ô nhiễm nữa, để rồi ung thư, rụng tóc và đủ các loại bệnh tật, con cái sinh ra bị biến đổi gen khuyết tật. Nhìn tiền kiếm ra một đống đấy để trả giá cho cả loài người và sinh quyển như thế ư? 

    Người thì vừa làm vừa bầy ra, gây ô nhiễm, còn để ai sẽ đi dọn? Có chuyện 10 ông cụ mười hũ rượu, nhưng kết quả là uống nước lã sạch, còn giờ đây thì 100 đơn vị 100 sự ô nhiễm, vì ai cũng hy vọng chỉ mình làm liều còn người khác họ nghiêm túc hậu quả chả đáng là bao, mà mình lại được lợi.

    Nghe nói các cấp có thẩm quyền xét duyệt các dự án đầu tư kỹ lắm, trong đó nếu không có phần đầu tư cho sử lý chất thải của doanh nghiệp thì không cấp phép. Nhưng thực tế công nghiệp càng phát triển thì môi trường càng ô nhiễm. Người ta còn có các kế hoạch di chuyển các nhà máy gây ô nhiễm ra xa thành phố. Nhưng không khí và nước ngầm có đứng tại chỗ đâu, mà tránh cho thành phố thì lại là chuyển vùng nguy hiểm cho người khác tuy ở đó ít người hơn. Tất cả như đều là sử lý tình huống, đó là chưa mô tả đến tình trạng nguy hiểm có từ các bãi rác thành phố, các kho chứa hoá chất độc, chất thải hạt nhân, chất thải từ các bệnh viện, khu nghĩa trang...

    Tất cả như thiếu một tổng công trình sư có trách nhiệm, hình như tất cả vô tình không có trách nhiệm với chính sự an toàn cuộc sống của mình thì sao có thể có được trách nhiệm với nhân loại. Phải chăng đâu đó câu: “ Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ tíu!” còn đúng theo nghiã đen và nghĩa bóng của nó?

    Có người còn lập luận nếu làm đâu sạch đấy thì Cty môi trường, người lao công quét rác, các ban biên tập đâu còn việc làm? Thế là làm đâu bẩn đấy. Không ai nghĩ đến hậu quả của nó. Các nhà phát minh thì cũng vô trách nhiệm nghiên cứu đến nơi đến chốn để rồi không khuyến cáo cho người dùng về nguy cơ của mặt trái của phát minh đó. Phong cách lao động, làm ăn theo kiểu đánh quả, chụp giật làm cho nhiều người không còn có trách nhiệm đối với cả nhân loại này nữa. Thức ăn sạch, rau sạch thực ra có đúng không? Thuốc bảo quản thực phẩm, thuốc trừ sâu trừ cỏ, phát minh ra, còn tác dụng trái của nó? Dùng kỹ thuật sinh học để sử lý một vấn đề, nhưng đã nghiên cứu kỹ đến đâu, liệu sinh vật đó có gây hậu quả khác không?

    Còn người thợ tiện thì để phoi vãi lung tung, thợ coppha thì vứt gỗ cắm đinh ngược lên để ngưòi ta dẫm chân bị chẩy máu, người làm hoá chất thì không ghi rõ hoá chất gì , người làm lắp đường ống thì đào bới đường đi lên rồi lấp đi qua quýt, ôtô chở vật liệu, phế thải xây dựng thì làm rơi vãi và làm bẩn đường thành phố,người soạn văn bản pháp quy thì lỗi khoa học luật và lỗi ngôn ngữ quá nhiều, tác giả kịch bản thì để quá nhiều “sạn” trong tác phẩm văn học nghệ thuật... Còn trong đào tạo thì hồ sơ đầu vào nhập học của sinh viên đã có ở nhiều em sự gian lận rồi thì khi tốt nghiệp sao có cán bộ “ sạch “ được ?

    Các doanh nghiệp thực tế đều có hệ công nghệ đa ngành ở hầu hết các công đoạn sản xuất kinh doanh. Môi truờng công nghiệp từ các nhà máy đến các nông trường trồng nguyên liệu và chăn nuôi, từ hầm lò khai thác, công trường xây lắp đến các văn phòng công nghiệp, trường đào tạo, viên nghiên cứu ngày càng bị ô nhiễm và có các yếu tố nguy hiểm cho sức khoẻ về các phương diện vật lý, hoá học, sinh học, thông tin, tâm lý xã hội và hoạt động của hệ thần kinh, sức khoẻ sinh sản cho cả giới nữ và nam. Đó là chưa kể những khu vực công nghệ siêu cao, siêu sạch, siêu tĩnh, siêu đen mà nghười lao động làm việc trong đó lâu dài có thể bị tâm thần, còn phụ nữ có thai bị cấm làm ở đó vì có thể bị sẩy thai do nội tiết bị rối loạn. Ngoài ra còn phải kể đến sự mệt mỏi quá sức của các quá trình huy động làm thêm giờ một cách lạm dụng, ô nhiểm thực phẩm, ô nhiễm nước ăn, nóng lòng đón con khi tắc đường, ngập lụt, những bế tắc và bức xúc trong nuôi dưỡng và chăm sóc sức khoẻ gia đình, những vấn đề nuôi dạy con cái ăn học,... và tất cả đều là dẫn đến tác động của môi trường đến cơ thể vựot qua ngưỡng an toàn sinh học của người lao động. Từ đó sức khoẻ sinh học tâm lý người lao động bị giảm, bệnh tật phát triển, động tác công nghệ bị ảnh hưởng, có thể dẫn tới chất lượng sản phẩm kém gây không bán được hàng có thể dẫn tới nguy hiểm cho doanh nghiệp và là nguy cơ tiềm ẩn mất công ăn việc làm lại lớn thêm.

    Môi trường công nghiệp và cơ chế thị trường cũng làm thay đổi tính cách của giới, ở nữ CBCNVC tính hiền dịu giảm đi nhường chỗ cho tính mạnh mẽ hơn. Tình trạng đa giao tiếp có xu hướng gia tăng từ đó thay đổi quan hệ trong tình yêu, gia đình, hôn nhân và nhiều gia đình vợ chồng có nguy cơ ly tán. Tình yêu cho đôi lứa là mong ước của công nhân đi làm xa tới các khu công nghiệp và chế xuất không còn thời gian cho cuộc sống riêng hoặc ở các nông trường nguyên liệu do hoàn cảnh mà khó có một gia đình riêng có vợ có chồng của mình.

    Mỗi chúng ta, hãy nói cả cho mọi người từ trong gia đình, đến cho ông chủ bà chủ, cho giám đốc, cho người lao động cố gắng làm đâu sạch đấy và tham gia bảo tồn sinh quyển như trồng cây, trồng rừng để cho loài người và sinh vật trên trái đất có môi trường sạch sẽ và an toàn để tồn tại. 

    Cuộc sống trên trái đất còn hay mất, cũng có thể do một thiên thạch khổng lồ sẽ rơi vào Hành tinh Xanh này, có thể do Mặt Trời sẽ cháy hết nhiên liệu, có thể do động đất toàn cầu song cũng có phần do chúng ta quyết định đấy. Người ta hay bảo:“ Nói thì dễ, làm thì khó”. Nhưng vấn đề này nói cũng không phải không khó, vì nói ra phải từ nhận thức của chính mình, và còn là một chương trình từ mỗi con người đến toàn cầu để con người tự cứu lấy mình trước một nguy cơ bị huỷ diệt do chính mình gây ra./.

  • VEIC