• “Chuyển sang công ty mẹ - con khó nhiều hơn dễ”
  • 14:52 28/09/2005
  • Xem hình

    Ông Hồ Xuân Hùng, Phó trưởng Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp

    Đó là nhận định của ông Hồ Xuân Hùng, Phó trưởng Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp. “Mẹ mà thiếu nguồn tài chính để đầu tư, không rõ chiến lược kinh doanh thì quả là khó khăn”, ông nói.

    Các báo cáo về thí điểm mô hình công ty mẹ - con cho thấy kết quả kinh doanh khá lạc quan. Phải chăng không có vướng mắc lớn cản trở việc chuyển hướng này, thưa ông?

    - Trước hết tôi phải khẳng định đây là hướng đi đúng. Tuy nhiên có rất nhiều vướng mắc chứ không phải không có. Nó chỉ thuận lợi trong trường hợp của các tổng công ty thực sự mạnh, có tiềm lực kinh tế, có nhiệm vụ chính trị, có tính chiến lược rõ ràng ví dụ như: than, bưu chính viễn thông...

    Những tổng công ty hiện trạng rất khó khăn về tài chính, chiến lược kinh doanh không rõ, đang phải chịu áp lực mạnh từ việc cạnh tranh của các thành phần kinh tế khác cũng như của doanh nghiệp nước ngoài. Có thể nói, việc chuyển sang công ty mẹ - con khó nhiều hơn dễ.

    Vậy thưa ông, khó ở chỗ nào?

    - Khó trước hết là xác định thế nào là công ty mẹ, nghĩa là công ty mẹ phải kinh doanh trực tiếp và đầu tư tài chính vào công ty con. Nếu muốn đầu tư tài chính phải có vốn. Những đơn vị yếu kém, khó khăn đều là nhưng đơn vị thiếu vốn. Và các tổng công ty hầu hết không kinh doanh trực tiếp.

    Cái khó thứ hai là việc chuyển đổi, tổ chức lại công ty mẹ sẽ giảm biên chế mạnh. Vì vậy đụng độ rất lớn. Thứ ba, làm thế nào để hoạch định chiến lược kinh doanh của công ty mẹ - con không bị giẫm chân lên nhau mà tạo nên sức mạnh. Đấy quả là vấn đề khó.

    Thực tế một số tổng công ty chuyển sang công ty mẹ - con nhưng công ty mẹ lại không đủ năng lực. Tại sao vẫn lựa chọn những công ty đó làm công ty mẹ?

    - Đối với vấn đề này, trong quá trình tổ chức công ty mẹ chúng ta không tiên lượng hết được những khó khăn và không hình dung hết bế tắc của họ. Mẹ mà thiếu nguồn tài chính để đầu tư, không rõ chiến lược kinh doanh thì quả là khó khăn.

    Vậy theo ông cần phải xử lý vấn đề này như thế nào?

    - Bằng mọi cách phải làm cho công ty mẹ mạnh lên. Trước hết phải tạo một cơ chế để công ty mẹ huy động được vốn. Chính vì vậy, vừa qua Chính phủ đã cho phép cổ phần hóa ngay một số công ty mẹ, một số khác mặc dù mạnh nhưng vẫn đề nghị cổ phần hóa như Constrexim vì hiện nay Tổng công ty này đang thiếu ít nhất một nửa số vốn cần.

    Hoặc cũng có thể là các công ty con cổ phần hóa càng nhiều càng tốt để thu bớt phần vốn về cho công ty mẹ, làm mẹ mạnh lên và thực sự đây là cách để huy động vốn. Thứ hai là phải tính lại chiến lược kinh doanh. Chiến lược kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng nhưng chúng ta đều lúng túng.

    Như ông vừa nói, đối với những tổng công ty yếu chuyển sang công ty mẹ - con rất khó khăn. Tại sao vẫn quyết định chuyển tất cả các tổng công ty sang công ty mẹ - con?

    - Phải hiểu khi chuyển tổng công ty thành công ty mẹ - con, sẽ có hai loại hình. Một là công ty mẹ vẫn là doanh nghiệp Nhà nước 100% và hai là công ty mẹ là đa sở hữu và nhà nước giữ cổ phần chi phối. tổng công ty không hiệu quả sẽ phải chuyển đổi mà quá trình chuyển đổi chính là quá trình sàng lọc để giúp thay đổi lại nội dung quản trị doanh nghiệp.

    Cơ cấu tài chính sẽ thay đổi cơ chế quản lý, và chắc chắn sẽ tốt hơn. Còn sau có phát triển thế nào còn phụ thuộc vào quá trình kiện toàn công ty mẹ và quá trình kiện toàn pháp lý cho tổ hợp công ty mẹ - con.

    Trong trường hợp công ty con có chiến lược kinh doanh mới, muốn tăng vốn, nhưng công ty mẹ không có vốn để góp thêm nên dùng quyền phủ quyết không tăng vốn. Vậy công ty con sẽ phải bỏ lỡ cơ hội kinh doanh vì công ty mẹ? Trong tình huống đó, phải xử lý thế nào?

    - Chắc chắn việc ấy sẽ xảy ra và đây là một hướng cản trở công ty con phát triển. Theo tôi, nên nghĩ cách khắc phục.

    Trước hết, thay đổi lại cách lựa chọn như của công ty cổ phần. Thứ hai, khống chế số người đại diện phần vốn ở đó. Bởi vì theo cơ cấu cổ đông thiểu số nhiều khi họ mạnh thật nên phải điều chỉnh hướng này. Hiện nay trên thực tế đã diễn ra và phải điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện chứ không phải cứ dựa vào cổ phần lớn để quyết tất cả.

    Thứ ba, theo tôi là phải tôn trọng đại hội cổ đông vì đại hội cổ đông quyết định thay đổi cơ cấu vốn. công ty mẹ không theo thì chuyển hướng, trở thành công ty liên kết.

    Nếu đặt ngược lại vấn đề, có khi không chuyển sang công ty mẹ - con kết quả kinh doanh lại tốt hơn thì sao?

    - Do mô hình tổng công ty là không tốt, cơ cấu và cơ chế quản lý không phát huy được, vì vậy phải tìm hướng mới, mô hình mới. Báo cáo sơ kết về mô hình công ty mẹ - con cho thấy rất thành công. Chính phủ đã định hướng các doanh nghiệp Nhà nước khi đổi mới sắp xếp lại sẽ chuyển thành mô hình công ty mẹ - con.

  • TBKTVN