“Cổ phần hóa (CPH) chắc chắn sẽ giúp cho tổng công ty có thêm quyền tự chủ, thu hút vốn đầu tư và khắc phục được những yếu kém trong quản lý kinh doanh để phát triển bền vững trong quá trình hội nhập”- ông Nguyễn Hồng Kỳ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện tử-Tin học Việt Nam (VEIC) đã rất tự tin khi phát biểu như thế về chương trình CPH mà Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép VEIC triển khai thực hiện.
Qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, VEIC đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của toàn ngành đạt từ 20% – 30%, hàng năm kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử bình quân đạt từ 500 triệu - 600 triệu USD… Dù vậy, vẫn phải thừa nhận các doanh nghiệp trong VEIC còn rất nhiều yếu kém mà đặc biệt là vốn đầu tư trong nước còn quá nhỏ bé.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn ngành có hơn 200 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 1,6 tỉ USD, thế nhưng vốn đầu tư nước ngoài lại chiếm tới 90%.
Trong đó, vốn đầu tư vào sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng chiếm tới 67%, sản xuất linh kiện chiếm 21,5%. Điều này khiến cho sản phẩm điện tử VN ngày càng yếu thế, chủ yếu chỉ là sản phẩm lắp ráp, không có tiếng tăm, thế mạnh.
Một tồn tại yếu kém cũng rất đáng được quan tâm nữa là công nghệ thiết bị của ngành điện tử tin học còn hết sức lạc hậu, công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D) yếu kém nên giá trị gia tăng rất nhỏ và bị phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Sự tất yếu của cổ phần hóa
Theo ông Bùi Quang Độ, để phát huy những lợi thế sẵn có và xây dựng được một ngành điện tử tin học lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, ngành điện tử, tin học Việt Nam cần phải có một cuộc cải cách mạnh mẽ. Và cuộc cải cách đó phải được bắt đầu bằng chương trình cổ phần hóa VEIC.
Trong Quyết định số 06-2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm cổ phần hóa VEIC có nêu, sau khi CPH, văn phòng và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của VEIC sẽ trở thành công ty mẹ, và công ty mẹ này có tên gọi là Tổng Công ty Cổ phần Điện tử-Tin học Việt Nam (tên giao dịch viết tắt bằng tiếng Anh là VEIC), trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Mục tiêu của CPH là chuyển tổng công ty thành tổng công ty cổ phần có nhiều chủ sở hữu, huy động thêm nhiều vốn, tạo thêm động lực và cơ chế quản lý mới, năng động, hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Tổng Giám đốc VEIC cho biết, hình thức CPH của VEIC sẽ được thực hiện thông qua việc bán một phần vốn Nhà nước hiện có tại VEIC để thu hút vốn từ bên ngoài. Cụ thể, VEIC sẽ chuyển các công ty TNHH nhà nước một thành viên như Công ty Điện tử Thủ Đức, Điện tử Bình Hòa, Điện tử Đống Đa, Điện tử-Viễn thông Nghệ An và Công nghệ thông tin Genpacific thành các công ty cổ phần. Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của VEIC sẽ được mua cổ phần ưu đãi theo quy định của Chính phủ, và người lao động trong các đơn vị thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty sẽ được mua cổ phần ưu đãi khi bán cổ phần của đơn vị thành viên đó.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Kỳ, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công nghiệp phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan hỗ trợ giúp VEIC thực hiện các thủ tục, quy trình CPH theo đúng quy định hiện hành.
Trước mắt, VEIC đang nỗ lực đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm để thoát ra khỏi trình độ lắp ráp gia công như hiện nay nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tuy nhiên, để làm được điều này, VEIC cần phải xây dựng lại đội ngũ nghiên cứu – phát triển của mình sao cho mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng.
Hiện VEIC đang rất thiếu những nhà khoa học đầu ngành và những kỹ sư trẻ tài năng để nghiên cứu – phát triển ra những sản phẩm mới (do họ đã chuyển sang làm việc cho các công ty nước ngoài). Giải quyết được vấn đề này và thực hiện thành công chương trình CPH sẽ giúp VEIC phát triển vững bền trong quá trình hội nhập.