Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa IX, xác định rõ mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là: "Tạo ra loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, trong đó có đông đảo người lao động, phát huy vai trò làm chủ thực sự của người lao động, của cổ đông và tăng cường sự giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không được biến thành tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước".
Từ khi thực hiện thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 1992, đến nay cả nước đã có hơn 2.900 doanh nghiệp nhà nước chuyển thành công ty cổ phần. Theo số liệu điều tra khảo sát của công đoàn các cấp, hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều có bước phát triển đáng khích lệ: các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật như vốn, lợi nhuận, nộp ngân sách năm sau cao hơn năm trước, việc làm, thu nhập và quyền lợi của người lao động đều được bảo đảm. Điều đáng ghi nhận là, nhiều doanh nghiệp, trước cổ phần hóa kinh doanh không có lãi, việc làm và thu nhập của người lao động bấp bênh, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau cổ phần hóa, tình hình thay đổi hẳn, sản xuất phát triển, kinh doanh có lãi.
1 - Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tác động tích cực tới người lao động
- Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tạo thêm nhiều việc làm.
Trong thực tế, không có doanh nghiệp nào sa thải người lao động khi thực hiện cổ phần hóa. Việc sắp xếp lao động và giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư được thực hiện đúng theo quy định hiện hành. Kết quả điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại hơn 100 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa cho thấy, số lao động mới vào làm việc tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa chiếm 15% tổng số lao động hiện có. Nhiều doanh nghiệp khi tiến hành sắp xếp lao động, số người dôi dư nghỉ hưởng trợ cấp theo Nghị định 41/CP chiếm từ 20% đến 40% tổng số lao động trong doanh nghiệp, nhưng sau khi chuyển thành công ty cổ phần, nhờ phát hành thêm cổ phiếu, huy động được vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nên tạo ra nhiều việc làm mới, thu hút thêm nhiều lao động hơn cả số lao động đã nghỉ trước đó. Những công ty điển hình có số lao động tăng mạnh sau cổ phần hóa là: Công ty cổ phần Đại lý Liên hiệp vận chuyển (tăng 430%), Công ty cổ phần May Hồ Gươm (tăng 280%), Công ty cổ phần Giấy HAPACO Hải Phòng (tăng gần 200%, chưa kể số lao động được tuyển vào các đơn vị thành viên mới thành lập của công ty, v.v...)
- Tiền lương và thu nhập của người lao động được bảo đảm. Một trong những vấn đề mà người lao động rất băn khoăn, lo lắng khi chuyển sang công ty cổ phần là tiền lương và thu nhập sẽ ra sao? Kết quả khảo sát và báo cáo của công đoàn các cấp cho thấy, thu nhập của người lao động tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa tăng đáng kể so với trước, bình quân 12%, chưa kể thu nhập có được từ cổ tức. Ví dụ: Công ty cổ phần Đại lý Liên hiệp vận chuyển tăng gấp 4 lần, Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn tăng 200%, Công ty cổ phần Hóa chất Minh Đức tăng gấp đôi. Ngoài ra, người lao động là cổ đông trong các công ty cổ phần, hằng năm còn được nhận cổ tức từ phần vốn cổ phần mà họ có trong công ty. Khảo sát cho thấy, mức cổ tức bình quân của các công ty cổ phần cao gấp 2 - 3 lần lãi suất ngân hàng (phổ biến từ 12% đến 20%/năm). Nhiều doanh nghiệp có mức cổ tức ổn định và cao như: Công ty cổ phần May Bình Minh (49%), Công ty cổ phần Chế biến Lâm - Thủy sản (48%), Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Kim khí (41%), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (35%), Công ty cổ phần Khai thác đá và Vật liệu xây dựng Hóa An (30%) v.v...
Sở dĩ tiền lương và thu nhập của người lao động không ngừng tăng, bởi lẽ: cơ chế quản lý ở công ty cổ phần về cơ bản được đổi mới; đặc biệt, ban kiểm soát do đại hội cổ đông bầu có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty cổ phần. Tổ chức bộ máy của công ty cổ phần được sắp xếp lại gọn nhẹ, năng động, khu vực hành chính được giảm tối đa. Ở nhiều công ty cổ phần, số cán bộ gián tiếp chỉ còn chiếm 7% - 8% tổng số lao động trong công ty. Vấn đề chi tiêu trong công ty cổ phần được giám sát chặt chẽ, giảm tối đa những khoản chi lãng phí. Mọi khoản chi và mức chi trong công ty đều phải công khai, do đại hội cổ đông và hội đồng quản trị quyết định. Nhờ công khai, dân chủ, nên giá cả nguyên vật liệu, thiết bị và dịch vụ đầu vào và bán thành phẩm đầu ra được kiểm soát chặt chẽ, tránh được các hiện tượng thỏa thuận tăng giá "đầu vào", giảm giá "đầu ra" để thu lợi bất chính...
- Quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người lao động là cổ đông được bảo đảm. Theo báo cáo của các công ty cổ phần đã được chuyển đổi, người lao động hiện đang nắm giữ 38% vốn điều lệ, hầu như họ đều mua hết số cổ phần ưu đãi mà họ được hưởng. Nhiều người còn vay mượn hoặc hoãn chi tiêu riêng nhiều khoản để dành tiền mua cổ phần. Trong công ty cổ phần, người lao động là cổ đông không những có quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động mà còn có quyền và nghĩa vụ của cổ đông, đó là quyền được bầu cử, ứng cử tại đại hội cổ đông, quyền biểu quyết, quyền được hưởng cổ tức khi công ty kinh doanh có lãi, quyền chất vấn, phê bình, kiến nghị về công việc của hội đồng quản trị, giám đốc và kiểm soát viên về hoạt động của công ty. Nhóm cổ đông đại diện cho 25% vốn điều lệ được yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông bất thường khi có dấu hiệu không lành mạnh về hoạt động tài chính của giám đốc, thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát. Đây chính là những yếu tố quan trọng làm tăng tiền lương và thu nhập của người lao động.
- Chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được các doanh nghiệp và người lao động hoan nghênh, đón nhận tích cực. Do có chính sách này, các doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa đã sắp xếp lại lao động một cách cơ bản. Người lao động vì nhiều lý do khác nhau không đáp ứng được yêu cầu mới trong sản xuất kinh doanh được giải quyết phù hợp (nghỉ chờ hưu, đào tạo lại...). Doanh nghiệp có cơ hội tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều phát triển khá vững chắc, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt.
Người lao động dôi dư khi rời khỏi doanh nghiệp được Nhà nước trợ cấp, hỗ trợ. Nhiều người đã sử dụng số tiền này để tìm việc làm hoặc tự tạo cho mình việc làm mới phù hợp hơn, bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình. Thực tế cho thấy, điều làm cho người lao động dôi dư phấn khởi và yên tâm, nhất là được bảo lưu chế độ bảo hiểm xã hội, được tạo điều kiện để tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội khi làm việc ở các doanh nghiệp khác thuộc khu vực ngoài quốc doanh. Đặc biệt, với nhóm đối tượng lao động dôi dư đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ 15 năm đến dưới 20 năm, nhưng vì tuổi cao (nam trên 55, nữ trên 50) không có cơ hội tìm việc làm mới, được tự đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ tuổi hưu để hưởng chế độ hưu trí.
2 - Công đoàn tham gia tích cực vào quá trình cổ phần hóa
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là vấn đề mới, các chính sách có liên quan liên tục được đổi mới và hoàn thiện, nên công đoàn các cấp đã rất coi trọng công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về cổ phần hóa, phổ biến nội dung các nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành, làm cho công nhân, viên chức hiểu rõ mục đích, yêu cầu của cổ phần hóa, các quyền, lợi ích và trách nhiệm của người lao động để họ tự giác tham gia.
Liên đoàn Lao động các cấp, công đoàn ở các ngành đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn và cán bộ quản lý doanh nghiệp thuộc địa phương và ngành mình; trực tiếp đến từng doanh nghiệp tuyên truyền, vận động công nhân viên chức tham gia cổ phần hóa, hướng dẫn, giải đáp các vấn đề mà người lao động băn khoăn, thắc mắc, .v.v... Nhờ đó, giúp người lao động thêm tự tin, không những tự tham gia mua cổ phần mà còn vận động người ngoài doanh nghiệp cùng tham gia.
3 - Những vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết
- Có chính sách ưu đãi đối với người lao động nghèo. Đa số người lao động trong các doanh nghiệp còn rất khó khăn, một phần không nhỏ trong số họ rất nghèo, không có tiền mua cổ phần khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Để bảo đảm quyền lợi về kinh tế, chính trị cho người lao động nghèo khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, Thông báo 63-TB/TW của Bộ Chính trị, ngày 4-4-1997, về tiếp tục triển khai tích cực và vững chắc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chỉ rõ: "Có chính sách hỗ trợ cho công nhân nghèo mua được một số cổ phần cần thiết, nhằm tạo động lực, góp phần xóa đói giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội".
Thực hiện chủ trương trên của Đảng, các Nghị định 28/CP, 44/1998/NĐ-CP và 64/2002/NĐ-CP của Chính phủ đều quy định: "Người lao động nghèo được mua chịu cổ phần với giá ưu đãi, được hoãn trả trong 3 năm đầu và trả dần trong 7 năm tiếp theo". Nhờ chính sách này, nhiều người lao động nghèo đã mua được cổ phần, và được hưởng mọi quyền lợi chính trị và kinh tế của một cổ đông. Do đó, không ít người đã thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ nghèo đói của cả nước trong mấy năm qua.
Có thể nói, chính sách ưu đãi đối với người lao động nghèo khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được thực hiện gần mười năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể. Người lao động nói chung, đặc biệt là lao động nghèo trong các doanh nghiệp cổ phần hóa, hết sức phấn khởi và mong muốn chính sách này tiếp tục được thực hiện đối với các công ty nhà nước sắp chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, tại Nghị định 187/CP, chính sách đối với người lao động nghèo đã bị cắt bỏ, gây tâm tư, bất bình đối với người nghèo nói chung, trong đó có người lao động nghèo ở các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa. Đề nghị Chính phủ khôi phục lại chính sách ưu đãi đối với người lao động nghèo khi thực hiện cổ phần hóa.
- Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý để người lao động giữ được cổ phần, chống tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, có tình trạng một bộ phận người lao động chưa nhận thức hết được quyền lợi của cổ đông, nên đã sớm bán cổ phần ưu đãi của mình. Làm như vậy, không những người lao động đánh mất quyền và lợi ích lâu dài trong công ty cổ phần mà còn tạo điều kiện cho một số cá nhân mua gom cổ phần với mục đích thâu tóm công ty, biến công ty cổ phần thành công ty tư nhân. Để hạn chế tình trạng này, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa IX, Về đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, khẳng định: "Cần phải có quy định để người lao động giữ được cổ phần ưu đãi". Thể chế hóa vấn đề này, Nghị định 64/CP quy định "Người lao động mua cổ phần ưu đãi không được chuyển nhượng trong 3 năm đầu kể từ khi mua. Trường hợp đặc biệt khi cần chuyển nhượng trước thời hạn phải được hội đồng quản trị công ty cổ phần chấp nhận". Nhờ đó, nhiều công ty cổ phần ổn định, giảm hẳn hiện tượng ngấm ngầm tranh giành, thâu tóm công ty. Người lao động giữ được cổ phần nên đã phát huy tốt quyền làm chủ của mình để tham gia quản lý công ty, yên tâm làm việc, gắn bó quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với công ty. Người lao động và các công ty cổ phần đều mong muốn nghị định này được duy trì. Nhưng, Nghị định 187/CP đã bỏ quy định này, tạo kẽ hở cho việc thâu tóm cổ phiếu. Trong cùng một công ty, có người lao động (chủ yếu là cán bộ quản lý, điều hành công ty) sở hữu số cổ phần giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng có tới 26% số người lao động không có cổ phần, 41% số người lao động chỉ sở hữu số cổ phần có giá trị dưới 10 triệu đồng. Điều đó dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về thu nhập từ cổ tức, khiến sự phân hóa giàu - nghèo ngày càng tăng, có nguy cơ biến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thành tư nhân hóa, trái với mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa IX, đã xác định.
- Có chính sách đối với vốn tự bổ sung. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa IX, chỉ rõ: "Nghiên cứu sử dụng một phần vốn tự có của doanh nghiệp để hình thành cổ phần của người lao động, người lao động được hưởng lãi nhưng không được rút cổ phần này khỏi doanh nghiệp". Tuy nhiên, cho đến nay chủ trương đó vẫn chưa được thể chế hóa. Vì vậy, Chính phủ cần thể chế hóa vấn đề nêu trên, có quy định trích một phần vốn tự có để hình thành cổ phần của người lao động, cổ phần này không được rút khỏi công ty cổ phần. Cổ tức thu được từ cổ phần này được sử dụng để phát triển quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng hoặc chia cho người lao động trong công ty cổ phần. Công đoàn công ty cổ phần đại diện phần vốn này tham gia đại hội cổ đông và hội đồng quản trị.
- Quyền dân chủ của người lao động trong công ty cổ phần cần được phát huy. Khi còn là doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp đều xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở theo Nghị định 07/1999/NĐ-CP, ngày 13-2-1999 của Chính phủ, tổ chức đại hội công nhân viên chức theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước, tổ chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân theo Luật Thanh tra. Khi chuyển thành công ty cổ phần, tất cả các hình thức nhằm bảo đảm quyền dân chủ cho người lao động nêu trên không còn. Vì vậy, chỉ có người lao động là cổ đông mới được dự đại hội cổ đông, được biết, được bàn và quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của cổ đông. Người lao động không phải là cổ đông, hoặc là cổ đông nhỏ không được tham gia đại hội cổ đông và cũng không có bất kỳ một diễn đàn hay hình thức dân chủ nào để họ được biết, được bàn, được tham gia những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích của mình. Do đó, cần có quy định về hình thức phát huy quyền dân chủ của người lao động trong công ty cổ phần.
- Thực hiện quyền đại diện bảo vệ người lao động của tổ chức công đoàn. Về mặt pháp lý, công đoàn là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động tại công ty cổ phần, nhưng không có cơ chế đủ để công đoàn ở cơ sở thực hiện chức năng đó. Do vậy, việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong công ty cổ phần gặp nhiều khó khăn hơn so với khi còn là doanh nghiệp nhà nước. Cần có cơ chế để công đoàn được tham gia hội đồng quản trị, ban kiểm soát công ty cổ phần để nhằm phát huy tốt và hiệu quả vai trò là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, góp phần tích cực phát triển doanh nghiệp.