Trong khuôn khổ hội nghị “Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)” do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức này 21/8, ông Nguyễn Sơn - phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về hội nhập kinh tế quốc tế - đã thông báo sơ bộ về các cam kết đa phương của VN khi gia nhập WTO.
Theo ông Nguyễn Sơn, một trong những cam kết đa phương quan trọng nhất khi VN vào WTO là phải thực hiện ngay toàn bộ các hiệp định của WTO, bao gồm các qui chế điều hành về thương mại cho tất cả các nước thành viên.
Trước đây khi đàm phán VN đã từng đề nghị việc thực hiện các hiệp định này cần có lộ trình từ 3-5 năm nhưng không được chấp thuận.
Bình luận về việc những cam kết gia nhập WTO có “quá sức” đối với VN, nhất là nông dân, ông Michael A. Samuels - cựu đại sứ Mỹ tại WTO - cho rằng: “Đó là giá phải trả đối với những nước gia nhập muộn như VN”.
Tuy nhiên, theo ông Samuels, VN vẫn có thể áp dụng những biện pháp hỗ trợ khác mà luật của WTO không cấm để hỗ trợ nông dân, trong đó đặc biệt các chính sách về khuyến nông, đầu tư khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp...
|
VN phải thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa mọi thành phần kinh tế. Theo ông Sơn, cam kết này không chỉ cấm các hành vi đối xử trực tiếp tạo nên sự phân biệt đối xử mà còn cấm các hành vi gián tiếp.
“Hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu có nồng độ cồn trên 40 độ là 60%, nồng độ cồn dưới 40 độ là 30% và không có phân biệt giữa rượu trong nước và rượu nước ngoài. Trên thực tế, các loại rượu ngoại whisky và cônhăc đều có nồng độ cồn trên 40 độ, trong khi rượu trong nước ở mức dưới 40 độ, do vậy được hưởng thuế thấp hơn, điều này gián tiếp đã tạo ra sự phân biệt đối xử” - ông Sơn dẫn chứng.
Cam kết tiếp theo VN phải thực hiện là bỏ toàn bộ trợ cấp xuất khẩu nông sản. Theo ông Sơn, đây chính là cam kết WTO +, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền nông nghiệp trong nước trong thời gian tới.
Với các hình thức trợ cấp công nghiệp bị cấm và áp dụng đối với các dự án đã được cấp phép, VN cũng buộc phải cắt giảm trong khoảng 3-5 năm. Sự cắt giảm này cũng áp dụng đối với những ưu đãi cho các dự án đang đầu tư trong các khu công nghiệp và khu chế xuất.
VN cũng sẽ phải thực hiện nguyên tắc chính phủ sẽ không được can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp (DN) nhà nước dưới bất kỳ hình thức nào và các DN này buộc phải hoạt động trên các tiêu chí về thương mại thông thường.
Về quyền kinh doanh: các DN nước ngoài được quyền kinh doanh xuất nhập khẩu như các DN VN. Theo ông Sơn, cam kết này “mở” hơn nhiều so với hiện nay, tức là các DN nước ngoài chỉ được kinh doanh hoạt động xuất nhập khẩu bó hẹp trong phạm vi giấy phép kinh doanh.
VN cũng cam kết về minh bạch hóa chính sách. Các văn bản chính sách của VN chỉ có hiệu lực khi đăng công báo. Đồng thời, Chính phủ phải thành lập một website, tại đây sẽ công bố toàn bộ các chính sách về thương mại, sở hữu trí tuệ, đầu tư... Với các loại chính sách có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của DN thì bản dự thảo phải được đăng công khai trên website này trước 60 ngày để lấy ý kiến đóng góp...