Từ sau ngày 1-1-2006, hơn 95% số dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm xuống còn 0-5% theo chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEFT) trong khuôn khổ mậu dịch tự do ASEAN/AFTA.
Theo các chuyên gia, khi dòng thuế này được áp dụng, rất nhiều doanh nghiệp, ngành hàng và lĩnh vực sẽ chịu tác động không nhỏ của việc cắt giảm thuế, trong đó có các DN sản xuất, lắp ráp điện - điện tử dân dụng.
Mặc dù thời gian qua, thuế nhập khẩu một số phụ tùng, linh kiện điện - điện tử đã giảm và có tác dụng thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các DN, tuy nhiên mức thuế nhập khẩu hiện nay trung bình vẫn ở mức khoảng 9,5% - 10% và có hơn 60% số mặt hàng linh kiện mà VN phải nhập khẩu từ các nước ngoài khu vực ASEAN.
Các DN trong ngành điện - điện tử cho rằng, điều kiện tối thiểu để họ duy trì hoạt động sản xuất lắp ráp là thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện phải giảm xuống 0%, nếu không sản phẩm trong nước sẽ không cạnh tranh nổi với hàng nguyên chiếc cùng loại nhập khẩu với thuế suất chỉ còn 0-5% từ các nước ASEAN.
Sự chênh lệch giữa thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ các nước ngoài ASEAN cao hơn nhiều lần thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN, các DN điện - điện tử sẽ khó duy trì được sản xuất trước làn sóng nhập khẩu ồ ạt hàng nguyên chiếc với mẫu mã đẹp, chất lượng cao, giá thành hạ…?
Nếu thực trạng này diễn ra, các DN Việt Nam có thể phải chuyển sang làm nhà phân phối, sửa chữa, bảo hành các sản phẩm nhập ngoại, hoặc phải dừng sản xuất.
Đối với các DN liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài sẽ sớm chuyển thành DN sở hữu 100% vốn, như sự ra đời của Công ty Panasonic Holding 100% vốn nước ngoài hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con được Bộ KH&ĐT cấp phép hoạt động hồi tháng 7-2005. Đồng thời một số liên doanh có thể thu hẹp hoặc chấm dứt sản xuất, lắp ráp và chuyển hẳn sang kinh doanh thành phẩm nhập khẩu…
Mặc dù được Nhà nước bảo hộ thuế nhập khẩu trong 10 năm qua nhưng ngành điện tử dân dụng VN vẫn chưa khẳng định được vị thế trên thương trường với tư cách là nhà sản xuất.
Theo ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp điện tử VN, không nên tiếp tục bảo hộ về thuế cho các DN trong nước mà nên đầu tư tạo nguồn hàng rẻ và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Thực tế thời gian qua mặc dù được Nhà nước bảo hộ nhập khẩu nhưng các DN điện tử trong nước vẫn loanh quanh sản xuất các sản phẩm bao bì, sách hướng dẫn và chi tiết linh kiện bằng nhựa…
Theo Bộ Thương mại, việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện điện - điện tử là phù hợp với xu thế gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của VN, giảm dần bảo hộ cho các DN sản xuất linh kiện trong nước.
Vấn đề là nên xem xét để đưa thuế suất thuế nhập khẩu MFN (Thuế ưu đãi) đối với linh kiện phụ tùng điện tử phù hợp với thuế suất CEFT/AFTA để tạo ra cạnh tranh bình đẳng giữa các DN sản xuất hàng điện tử, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động sản xuất kinh doanh ở VN.