Thị trường hàng điện tử điện máy Việt Nam những ngày này đang có nhiều biến động. Thắng hay thua trụ vững hay phá sản của các doanh nghiệp sản xuất điện tử Việt Nam còn là vẫn đề gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, có thể thấy một điều hiển nhiên là người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những chính sách này.
Người tiêu dùng Việt Nam - Tâm lý chung vẫn là chờ đợi
Bắt đầu từ 1/1/2006, hàng điện tử điện máy nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào Việt Nam được hưởng mức thuế nhập khẩu còn từ 0 -5%. Thị trường hàng điện tử Việt Nam đang có nhiều xáo động. Mặc dù đã qua thời điểm giảm thuế nhập khẩu, song tại những trung tâm điện máy, các cửa hàng bán đồ điện tử không khí vẫn rất trầm lắng. Nguyên nhân của tình trạng này là do người tiêu dùng vẫn tiếp tục nghe ngóng, chờ đợi một sự giảm giá mạnh của các sản phẩm điện tử.
Đến những trung tâm bán đồ điện tử, điện máy lớn ở Hà Nội như siêu thị Big C, siêu thị Metro, phố điện tử Hai Bà Trưng… vào những ngày này chúng ta đều dễ dàng bắt gặp cảnh nhân viên cửa hàng ngồi… chờ khách. Siêu thị điện máy Todimax số 5 Điện Biên Phủ đã dán biển giá mới cho các mặt hàng điện tử nhập khẩu. Theo đó, một chiếc ti vi LCD Toshiba 37 inch, nhập khẩu từ Indonesia trước thời điểm 1/1/2006 có giá trên 60 triệu đồng nay chỉ còn gần 54 triệu đồng; tương tự, ti vi LCD Toshiba 32 inch giá mới nay chỉ còn 43.499 ngàn đồng so với gần 50 triệu đồng trước đây. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trong buổi sáng (5/1/2006), mặc dù lượng khách đến cũng khá đông nhưng số người mua hàng lại rất ít, đa số là đến xem, tìm hiểu giá cả.
Anh Trần Ngọc Tuấn, nhân viên cửa hàng điện tử điện lạnh 43 Hai Bà Trưng cho biết: Từ đầu tuần đến nay khách đến mua hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặc dù cửa hàng của anh chỉ bán đồ điện tử, điện lạnh do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, không chịu ảnh hưởng gì từ việc giảm thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, khách hàng đến đây cũng giảm hẳn so với trước. Chị Trương Diệu Trinh, nhà ở phường Liễu Giai, Hà Nội mà tôi gặp tại siêu thị Big C cũng có tâm trạng đó. “Tôi mới xây nhà, cũng muốn mua thêm một, hai chiếc ti vi, nhưng nghe nói đầu năm nay sẽ có đợt giảm giá mạnh nên cũng chỉ qua đây tham khảo giá xem thế nào. Chờ một vài ngày nữa rồi quyết định cũng chưa muộn”. Vâng, tâm lý chung của khách hàng là vậy, mặc dù các cửa hàng cũng đã tung ra nhiều chiêu khuyến mại, giảm giá bán nhưng khách hàng vẫn còn chần chừ. Phần vì họ đợi giá hạ nữa, phần vì có ý kiến cho rằng, những sản phẩm bán giảm giá trong dịp này là hàng tồn kho của các doanh nghiệp nhập khẩu và các đại lý, đến thời hạn giảm thuế nên họ bán tống, bán tháo để nhập hàng mới.
Tuy nhiên, các chủ cửa hàng mà chúng tôi đã tiếp xúc đều có chung nhận định: Đây chỉ là sự trầm lắng nhất thời và thị trường hàng điện tử sẽ nhanh chóng hồi phục. Bởi suy cho cùng, giảm thuế nhập khẩu thì các cửa hàng, các siêu thị điện máy có lý do chính đáng để giảm giá, người tiêu dùng cũng có cơ hội được sở hữu những sản phẩm giá rẻ, chất lượng tốt. Nhiều chủ cửa hàng cho biết đang có kế hoạch nhập hàng mới để phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp tết này.
Doanh nghiệp điện tử Việt Nam: Liệu có thua ngay trên sân nhà?
Tâm lý người tiêu dùng và các nhà kinh doanh là vậy, còn các doanh nghiệp điện tử Việt Nam phản ứng như thế nào trước thông tin này? Theo ông Trần Quang Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam: Việc vào đầu năm 2006, các dòng thuế nhập khẩu hàng điện tử điện lạnh nguyên chiếc từ các nước ASEAN giảm xuống theo lộ trình hội nhập AFTA đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử trong nước không có gì là bất ngờ, bởi đây làm lần thứ 2 Việt Nam thực hiện việc cắt giảm thuế, sau thời điểm 1/7/2004 giảm từ 40-50% xuống còn 15-30% và nay là 0-5%. Giảm thuế, sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước sẽ lớn hơn nhưng chưa đến mức phải phá sản vì các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị từ trước. Theo ông Hùng, việc giảm giá lần này chủ yếu tập trung vào các mặt hàng điện tử có công nghệ cao như ti vi LCD, màn hình tinh thể lỏng, máy ảnh kỹ thuật số… (những mặt hàng này các doanh nghiệp Việt Nam chưa sản xuất nên không phải chịu sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu). Còn đối với các mặt hàng điện tử, điện lạnh thông thường, giá bán ở Việt Nam cũng gần đạt mức sàn so với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực sản xuất nên việc giảm giá là rất nhỏ.
Mặt khác cũng theo ông Trần Quang Hùng, tham gia thị trường điện tử Việt Nam đã có rất nhiều “đại gia” như Sony, Fujitsu, Toshiba, Canon, Samsung, LG, Deawoo… với hệ thống bán hàng, bảo hành tốt trên phạm vi cả nước. Nếu các mặt hàng điện tử nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam muốn cạnh tranh được cũng không phải là vấn đề một sớm, một chiều.
Ý kiến của Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam là vậy. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng các doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang đứng trước sự thách thức sống còn. Trong khi, thuế nhập khẩu nguyên chiếc giảm xuống còn 0-5%, thì thuế nhập khẩu linh kiện điện tử bình quân vẫn duy trì 10 - 20%. Với tình trạng này, nhiều người cho rằng có khả năng các hãng tên tuổi như: Sony, Mitsushita, LG, Samsung, Toshiba đang sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam có thể chuyển nhà máy sang các nước trong khu vực để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm trở lại Việt Nam.
Mặt khác, tận dụng cơ hội thuế xuất, thuế nhập khẩu các sản phẩm điện tử của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tập trung đầu tư vào các nước ASEAN để sản xuất, lắp ráp và biến Việt Nam thành thị trường độc quyền của các nước ASEAN. Biểu hiện rõ nét của vấn đề này là trong tháng 7 và tháng 8/2005, kim ngạch nhập khẩu linh kiện phụ tùng điện tử giảm tới 26,4% so với tháng 6. Nguyên nhân do sản phẩm lắp ráp nội địa tiêu thụ kém và thời hạn thực hiện cam kết CEPT/AFTA - Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung theo lộ trình AFTA đã đến.
Theo một số thông tin, các nhà nhập khẩu đã nhập hàng điện tử, điện lạnh về đến cảng Việt Nam và đang làm thủ tục để được hưởng mức thuế mới. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp điện tử trong nước sẽ bắt buộc phải giảm giá thành để có thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập hoặc phải chuyển đổi kinh doanh sang lĩnh vực khác, thậm chí phá sản. Còn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ sớm chuyển thành doanh nghiệp sở hữu 100% vốn để khai thác triệt để ưu thế về công nghệ sản xuất và tham gia mạnh vào thị trường kinh doanh thương mại dịch vụ khi Việt Nam gia nhập WTO.
Hiệp hội các doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, ngay từ tháng 11/2005, Hiệp hội đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng linh kiện điện tử mà các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vào thời điểm này. Tuy nhiên, cho đến nay Hiệp hội vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía các cơ quan chức năng.
Mặc dù vẫn khá lạc quan về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nhưng ông Trần Quang Hùng cũng phải thừa nhận rằng, nếu Nhà nước không có một chính sách hỗ trợ hợp lý, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể đứng vững và phát triển được.
Thị trường hàng điện tử điện máy Việt Nam những ngày này đang có nhiều biến động. Thắng hay thua; trụ vững hay phá sản của các doanh nghiệp sản xuất điện tử Việt Nam còn là vẫn đề gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, có thể thấy một điều hiển nhiên là người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những chính sách này. Họ có thêm nhiều sự lựa chọn về giá cả, chủng loại cũng như chất lượng sản phẩm. Đó là xu thế tất yếu của quá trình hội nhập. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp có thể khẳng định mình. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp nào có vốn, công nghệ cao và có chiến lược kinh doanh hợp lý sẽ trụ vững./.