• Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước: Xoá bỏ ưu đãi bất hợp lý?
  • 09:35 29/08/2006
  • Có thể sẽ có rất nhiều thay đổi về chính sách, đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiến hành cổ phần hoá (CPH) trong thời gian tới. Điều này nằm trong định hướng của Bộ Tài chính (BTC) về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 187/2004/NĐ-CP - văn bản pháp lý cao nhất hiện nay về việc chuyển DNNN thành công ty cổ phần.

    Theo kế hoạch, năm 2006 sẽ có thêm 526 DNNN được CPH. Nếu kế hoạch này được thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ thì cuối năm nay sẽ có tổng số 2.767 công ty cổ phần “xuất thân” từ DNNN, trong đó có nhiều “tên tuổi lớn” cả về quy mô vốn, lợi thế kinh doanh, lợi nhuận cũng như mức đóng góp ngân sách nhà nước.

    Đây chính là nỗi lo của ngành thuế, bởi thực hiện Nghị định 187/2004/NĐ-CP, năm 2006, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 1.138 tỷ đồng (những năm trước đã thực hiện miễn, giảm thuế TNDN cho đối tượng này 2.786 tỷ đồng). Còn năm 2007, nếu vẫn giữ chính sách cũ, theo ước tính của Tổng cục Thuế, con số miễn, giảm thuế TNDN lên đến 5.000 tỷ đồng, tương đương 10% tổng số thu (dự kiến) từ khu vực DNNN năm 2007.

    “CPH là chủ trương lớn, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, nhưng do thực hiện chính sách miễn thuế TNDN 2 năm đầu chuyển đổi và giảm 50% số thuế phải nộp của 2 năm tiếp theo nên đã tác động mạnh đến số thu ngân sách nhà nước. Đơn cử, chỉ tính riêng 26 DN lớn dự kiến CPH vào năm 2007 sẽ khiến ngân sách giảm thu khoảng 3.000 tỷ đồng”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Ninh phát biểu. Theo vị quan chức này, chính sách khuyến khích chuyển đổi sở hữu DNNN thông qua miễn, giảm thuế TNDN cho tất cả DN CPH trong 10 năm qua là phù hợp. Bởi việc miễn, giảm thuế tạo điều kiện cho DN phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh khi mới “chân ướt, chân ráo” hoạt động bình đẳng với thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Hơn nữa, trước đây có nhiều yếu tố cản trở khiến hầu hết DN ngại CPH. Tuy vậy, tình hình hiện nay đã khác, tâm lý CPH đã thay đổi và việc CPH đã nằm trong lộ trình của Chính phủ nên hiện tượng cơ quan chủ quản tìm cách né tránh CPH không còn nữa. “Cần phải điều chỉnh lại chính sách miễn, giảm thuế TNDN đối với DN CPH”, ông Ninh kiến nghị.

    “Tiến trình CPH một số DN lớn trong ngành ngân hàng, bưu chính - viễn thông, bảo hiểm và những ngành có nhiều lợi thế cho thấy, nhà đầu tư không dễ dàng mua được cổ phiếu phát hành lần đầu, mặc dù đã trả giá cao hơn giá khởi điểm. Không ít nhà đầu tư muốn sở hữu cổ phiếu của những ngành có nhiều lợi thế, bởi chỉ sau vài năm nắm giữ, giá cổ phiếu đã tăng 5 - 6 lần. Việc CPH đối với những DN có thế mạnh, có thương hiệu không khó khăn mà chúng ta vẫn tiếp tục duy trì chính sách miễn, giảm thuế TNDN như hiện nay là không hợp lý”, ông Ninh nhận định và cho rằng, chỉ nên ưu đãi về thuế đối với DN đang kinh doanh thua lỗ khi chuyển đổi sở hữu.

    Ngoài dự kiến sửa đổi chính sách miễn, giảm thuế, BTC sẽ kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng và điều kiện CPH; sửa đổi các quy định về xác định giá trị DN; điều chỉnh các quy định về xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN CPH (trừ trường hợp DN lựa chọn hình thức giao đất). Trong đó, để nâng cao trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố và bảo đảm tiến độ CPH, BTC kiến nghị Chính phủ đưa ra yêu cầu DN phải chủ động triển khai xác định giá trị quyền sử dụng đất ngay khi kiểm kê tài sản, phân loại tài sản. Theo quan điểm của BTC, Nghị định thay thế Nghị định 187/2004 cũng sẽ sửa đổi, bổ sung các nội dung quan trọng khác như sau:

    1. Quy định rõ về nhà đầu tư chiến lược, đồng thời xoá bỏ độc quyền mua cổ phần ưu đãi giảm giá đối vơi nhà đầu tư chiến lược trong nước để tạo sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư; nâng tỷ lệ cổ phần bán đấu giá công khai lên mức không thấp hơn 30% vốn điều lệ (tỷ lệ này hiện là 20%), trong đó dành một tỷ lệ nhất định để bán cho nhà đầu tư chiến lược.

    2. Mở rộng hình thức bán cổ phần lần đầu thông qua đấu giá hoặc áp dụng các hình thức khác như bán thoả thuận qua bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành.

    3. Bổ sung quy định về thu và sử dụng nguồn thu từ CPH một cách cụ thể hơn, đặc biệt là trường hợp phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn và cho phép sử dụng nguồn này để hỗ trợ các DN sắp xếp, giải quyết lao động dôi dư; đồng thời xác định rõ nguyên tắc phân chia thặng dư vốn giữa Nhà nước và các cổ đông trong DN.

    4. Bổ sung quy định về kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác sắp xếp, CPH; đề cao nguyên tắc công khai, minh bạch trong hồ sơ phát hành, quy định về quản trị công ty theo mẫu điều lệ tổ chức hoạt động đối với DNNN chuyển đổi sang công ty cổ phần phù hợp Luật Doanh nghiệp.

    5. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai CPH; bổ sung thêm chế tài quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của các bộ, UBND cấp tỉnh, giám đốc và các bộ phận quản lý, điều hành DN trong quá trình triển khai CPH các DN trực thuộc.

  • www.vir.com.vn