Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có công văn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bày tỏ những lo lắng, băn khoăn xung quanh việc chậm trễ thực hiện cổ phần hoá (CPH) các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Chủ tịch VAFI, nếu chậm trễ việc thực hiện CPH, nguy cơ tụt hậu đối với các ngân hàng này là rất rõ.
Theo Đề nghị của VAFI thì NHNN nên quyết định CPH tiếp 3 NHTM Nhà nước còn lại: NH Công thương, NH Đầu - tư Phát triển và NH Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Nên giao nhiệm vụ cải tổ các NH ngay từ bây giờ bằng cách giao cho các ngân hàng này chủ động xây dựng phương án CPH. Trên cơ sở đó, NHNN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH.
10 năm mới CPH được... 1ngân hàng!
Trên thực tế việc CPH một số NHTM Nhà nước mà trước hết là NH Ngoại thương Việt Nam (VCB) và NH Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long đã diễn ra rất chậm trễ. Mặc dù chủ trương cổ phần hoá 2 NHTM này đã được hơn 2 năm nhưng đến nay mọi việc mới chỉ dừng lại ở các bước: vạch ra được lộ trình và cách thức CPH. Theo phân tích của VAFI, lộ trình thực hiện là quá chậm chễ, nếu theo cách làm hiện nay thì có lẽ phải mất 10 năm mới hoàn thành cổ phần hoá được 1 NHTM Nhà nước (cho tới khi Nhà nước còn nắm giữ 51% cổ phần). Tiến trình CPH nói chung đã rất chậm trễ nhưng với các ngân hàng còn chậm trễ hơn. Nhiều câu hỏi được đặt ra, tại sao tiến trình cổ phần hoá tại 2 ngân hàng này diễn ra lâu như vậy? Theo tính toán của các chuyên gia, thời gian CPH tại các NH chậm gấp 5 lần so với tốc độ cổ phần hoá DNNN. Theo Ban cổ phần hoá của Ngân hàng Nhà nước, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm trễ, chẳng hạn như khó thuê các tổ chức tư vấn định giá nước ngoài hay chi phí cổ phần hoá bị khống chế.... Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Tổng giám đốc VCB, việc định giá ngân hàng này là khó nhất. Vấn đề không nằm ở lao động dôi dư mà nằm ở nợ tồn đọng. Bên cạnh đó, còn có một số khó khăn khác như thủ tục và việc băn khoăn lựa chọn hướng thực hiện CPH. Một là chia việc CPH VCB làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ phát hành cổ phiếu ưu đãi. Hướng thứ 2 là không phát hành cổ phiếu ưu đãi mà tập trung định giá lại DN để thực hiện phát hành cổ phiếu phổ thông luôn. Hiện VCB vẫn đang tham gia với Ngân hàng Nhà nước để hoàn thành đề án CPH, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ kéo dài.
Tuy nhiên, VAFI nhận định, đó là những lý do không hợp lý vì: theo cơ chế hiện hành thì NHNN có thể quyết định chi phí cổ phần hoá phát sinh trong thực tế ; rất nhiều tổ chức tư vấn nước ngoài có uy tín muốn tham gia định giá các NHTM Nhà nước. Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác.
Theo đề nghị của VAFI thì NHNN nên quyết định cổ phần hoá tiếp 3 NHTM Nhà nước còn lại: NH Công thương, NH Đầu tư - Phát triển và NH Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Đồng thời giao nhiệm vụ cho các ngân hàng này chủ động xây dựng phương án cổ phần hoá, gắn cổ phần hoá với công cuộc cải tổ ngân hàng ngay từ bây giờ, trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hoá, không nên chậm trễ và cần tạo định hướng để các ngân hàng này có kế hoạch thực hiện.
Mất ưu thế với ngân hàng tư nhân
Vẫn theo phân tích của VAFI, việc chậm cổ phần hoá các NHTM Nhà nước đồng nghĩa với việc tiếp tục duy trì rất nhiều khó khăn, nhiều bất cập và nguy cơ tụt hậu so với các ngân hàng tư nhân. Trước hết, các NHTM Nhà nước không có cơ chế trả lương theo cơ chế thị trường, sẽ khó có khả năng tạo cơ chế thu hút và giữ chân người đáp ứng công việc làm cho họ. Thứ nữa là khó khăn trong công tác đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, chúng ta cần tạo cơ chế để chuyển phương thức quản lý hành chính hiện hành sang phương thức quản trị công ty.
Đến nay theo cơ chế hoạt động của DNNN, chưa có NHTM Nhà nước nào có được cơ chế để huy động vốn cổ phần. Thời gian vừa qua, tốc độ tăng vốn điều lệ của khối ngân hàng cổ phần là chóng mặt, trong khi vốn điều lệ của khối NHTM Nhà nước tăng hoặc tăng không đáng kể. Vẫn theo VAFI nếu chậm cổ phần hoá ngân hàng Công thương, Ngân hàng -Đầu tư phát triển thì chỉ vài năm tới các ngân hàng tư nhân như ACB, SACOMBANK sẽ đuổi kịp và vượt các NHTM Nhà nước về qui mô vốn điều lệ, mặc dù xuất phát điểm về vốn điều lệ của các ngân hàng tư nhân này nhỏ hơn các ngân hàng Nhà nước trên 50 lần.
Ông Nguyễn Hoàng Hải kiến nghị, cần nhanh chóng đổi mới công tác quản lý vốn Nhà nước ở NHTM Nhà nước. Cơ quan Nhà nước không thể quản lý điều hành 1 cách có hiệu quả và có trách nhiệm các NHTM Nhà nước. Cần tạo cơ chế để thu hút vốn, công nghệ, trình độ quản lý từ các nhà đầu tư bên ngoài, đồng thời tạo nền tảng kiểm soát nội bộ tốt và đây là cơ chế hữu hiệu để duy trì và phát triển vốn Nhà nước tại CTCP. NHNN đã có điều kiện để học hỏi rất nhiều kinh nghiệm về cổ phần hoá của Trung Quốc và các nước trên thế giới. Trung Quốc đã cổ phần hoá hết các NHTM Nhà nước và đã đưa các ngân hàng này niêm yết trên thị trường chứng khoán, đã có 1 vài ngân hàng niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài, trong khi ta chưa cổ phần hoá được 1 ngân hàng nào. "Chúng ta không nên chậm trễ trong việc cổ phần hoá các NHTM Nhà nước, bởi vì sau cổ phần hoá thì Nhà nước vẫn nắm giữ trên 51%, tức là vẫn nắm giữ quyền kiểm soát tại các ngân hàng này, càng cổ phần hoá sớm thì Nhà nước càng thu được nhiều lợi ích và chỉ có được mà không mất" - ông Hải nhấn mạnh.