• Việt Nam đầu tư cho công nghiệp bán dẫn
  • 09:35 05/09/2006
  • Tập đoàn Renesas (Renaissance Semiconductor for Advanced Solutions) - liên doanh giữa Hitachi và Mitsubishi Electric - đã quyết định chọn VN là một trung tâm phát triển công nghiệp bán dẫn ở châu Á. Đào tạo khoảng 500 kỹ sư ngành này cho VN là mục tiêu được Renesas đặt ra trong 2 năm nữa.

    Tăng vốn đầu tư ở VN từ 13 triệu USD lên 30 triệu, xây dựng khu cao ốc văn phòng và cung cấp chương trình đào tạo cao cấp cho các kỹ sư bản địa trước cũng như sau tuyển dụng... là những động thái đầu tiên mà Renesas VN (RVC) vừa thông báo triển khai vào ngày 31/8, nhằm xúc tiến việc thực hiện các mục tiêu trên.

    RVC được thành lập từ năm 2004, là công ty thiết kế bán dẫn lớn đầu tiên tại VN. Hiện RVC thiết kế các giải pháp hệ thống và hệ thống trên vi mạch đa chức năng. Bước theo chân công ty "mẹ", Tổng giám đốc RVC Tsuneo Sato kỳ vọng với sự đầu tư vào kỹ thuật và nguồn nhân lực hiện nay, RVC sẽ gây dựng được một ngành công nghiệp bán dẫn mang thương hiệu VN trong tương lai.
    Hiện tập đoàn Renesas cung cấp những giải pháp hệ thống cho các thị trường về "bộ nhúng" như bộ nhớ flash MCU cho hệ thống điện tử xe hơi, MCU cho tivi và Sim card điện thoại di động. Bên cạnh vi điều khiển, Renesas cũng là nhà sản xuất chip điện MOSFETs cho màn hình tivi plasma (PDP), IGBT cho flash điện tử, điều khiểm LCD cho các loại màn hình khác, AFE cho máy chụp hình...

    Phát triển ngành công nghiệp phần cứng (vi mạch) và các phần mềm chức năng dành cho IC bán dẫn (mạch tích hợp) cũng là một trong những định hướng đầu tư tương lai của TP HCM. Trưởng Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (HEPZA) Vũ Văn Hòa cho biết, trong những năm tới, thành phố sẽ thực hiện chuyển dịch kinh tế, ưu tiên phát triển và đầu tư vào công nghệ cao.

    Để thực hiện mục tiêu này, Trung tâm nghiên cứu vi mạch thuộc Đại học quốc gia TP HCM đã được thành lập 2 năm qua. Chuyên gia Việt kiều Đặng Lương Mô được UBND thành phố mời từ nước ngoài về làm cố vấn cho dự án vi mạch này. Công viên phần mềm Quang Trung cũng đang "phình to" với việc bổ sung thêm ít nhất 5 dự án của các nhà đầu tư nước ngoài nữa. Khu Công nghệ cao TP HCM đang trong giai đoạn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới trong ngành phần mềm, công nghệ thông tin.

    Giáo sư Đặng Lương Mô cho biết, với thế mạnh về nguồn nhân lực, VN có nhiều tiềm năng trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn -công nghệ được đánh giá là xương sống của nhiều ngành công nghiệp khác, kể cả xuất khẩu. Còn Phó tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM Tatsuo Hirayama thì đánh giá VN là quốc gia có sức hấp dẫn lớn trong đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật cao.

    RVC cũng đang phối hợp với các trường đại học tại VN như Bách khoa TP HCM, Khoa học tự nhiên, Bách khoa Hà Nội, Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Quốc gia VN... để cung cấp phương pháp huấn luyện cao về hệ thống trên vi mạch cho các kỹ sư bán dẫn tương lai.

  • quantrimang.com