• Từ bỏ thói quen lỗi thời khi vào WTO
  • 09:35 05/09/2006
  • Tiến sỹ Lê Đăng Doanh trong một lần nói chuyện với DN về WTO đã nhấn mạnh: vào WTO, doanh nghiệp (DN) phải thay đổi rất nhiều và sự thay đổi cần được bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất.

    Ông Doanh dẫn chứng, khi DN nhận được một bức thư của một đối tác, các bạn phải trả lời ngay; dù đó là đối tác chưa bao giờ gặp nhau, lời đề nghị không hấp dẫn hay bản thân chưa giải quyết được cũng phải có hồi đáp; nếu không, đối tác sẽ cho rằng bạn không tồn tại.

    Những vấn đề lớn cũng được ông Doanh cụ thể trong nhưng câu chuyện khá đơn giản. Một chị bán vịt ngoài chợ cố gắng nhồi thêm được 3 lạng bánh đúc vào diều con vịt trước khi bán, một DN tiêm hoá chất vào tôm để thêm nặng ký, một nông dân xù hợp đồng với đối tác để bán mía, tôm ra thị trường kiếm chênh lệch giá... tất cả những hành vi này cần phải loại bỏ trong thời gian sớm nhất.

    Đơn giản là WTO sẽ trừng phạt không thương tiếc những ai phạm luật. Không còn khả năng "xù" và không có thế lực nào có thể che chở được. Những doanh nhân chỉ biết kiếm lời bằng cách "chạy mánh" nơi anh Bảy, chị Tám thay cho đổi mới công nghệ, đầu tư vào nhân lực, tổ chức lại DN sẽ sớm cảm thấy ngọn gió nóng từ các đối thủ cạnh tranh mạnh và đúng luật. Và các anh Bảy, chị Tám lớn nhỏ nọ sẽ không thể chỉ bảo được WTO để tiếp tục ưu đãi, bảo hộ các doanh nghiệp đó nữa.

    WTO sẽ thay đổi sâu sắc nếp nghĩ, thói quen, hành vi của doanh nhân, quan chức theo hướng văn minh, tiến bộ hơn và ai chậm hơn thì đành chấp nhận uống nước đục, ông Doanh nhấn mạnh.

    Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là đa số DN nước ta là quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Ngay cả những DN lớn ở trong nước cũng chưa có tên trong danh sách 1000 doanh nghiệp lớn của Châu Á. Trong khi đó, vào WTO chúng ta phải cắt bỏ thuế quan, bỏ các hạn chế định lượng, bỏ các khoản trợ cấp ưu đãi không phù hợp, mở cửa 110/115 ngành dịch vụ, chấp nhận các nguyên tắc về đối xử quốc gia... Như vậy, thị trường Việt Nam sẽ không còn là mảnh đất riêng của DN Việt Nam nữa.

    Vì vậy, ông Doanh cho rằng, để vươn ra xa và giữ được thị phần trong nước, thách thức lớn nhất không nằm ở đối thủ mà chính ở bản thân chúng ta. Đối thủ có thể mạnh nhưng nếu ta tự đổi mới, năng động, hiểu biết, tài trí, hợp tác đoàn kết để có thể ứng phó. Thách thức lớn nhất là không biết người biết mình, bám vào những thói quen và đặc quyền, đặc lợi lỗi thời mà WTO không còn cho phép nữa.

    Lời khuyên mà nhiều chuyên gia đưa ra cho DN Việt Nam hiện nay là cần nhanh chóng liên kết lại. Mỗi DN và mỗi người hãy tự phân tích chỗ mạnh, chỗ yếu, cơ hội, thách thức của mình, tự vạch ra một chương trình hành động để vươn lên gia nhập WTO.

    Ông Doanh nói, DN hãy thay đổi quan niệm, thay vì ai thắng - ai thua, các DN hãy hướng tới việc cả hai cùng chiến thắng (hợp tác win - win) và đôi bên cùng có lợi.

    Bà Phạm Chi Lan cũng gửi tới một DN một lời tư vấn khá cụ thể, các ngành dịch vụ là ngành rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nền kinh tế nước ta bị xếp vào hàng lạc hậu mà một trong những nguyên nhân là tỷ lệ dịch vụ trong nền kinh tế còn thấp. Một minh chứng cho tầm quan trọng của dịch vụ là trong 28 đối tác đàm phán song phương, chỉ có gần một nửa yêu cầu đàm phán về dịch vụ, hầu hết trong đó là những nền kinh tế phát triển như: Mỹ, EU, Canada... và một trong những nguyên nhân đàm phán với Mỹ khó khăn và kéo dài chính là vấn đề dịch vụ.

    Vì vậy, bà Lan cho rằng, trước hết, các DN hãy gia tăng hàm lượng dịch vụ trong mỗi sản phẩm của mình bằng cách đi kèm với mỗi sản phẩm là các dịch vụ chăm sóc bảo hành và chăm sóc sản phẩm để đến gần hơn với khách hàng. Doanh nghiệp không nên quá quan tâm đến sản xuất mà quên đi dịch vụ.

    Bên cạnh đó, vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ là cực kỳ quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trên thực tế, đây là một thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế còn ở trình độ thấp của chúng ta. Khi chúng ta phải mua công nghệ hiện đại, vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ luôn được đặt lên hàng đầu. Gần đây, chính phủ thường xuyên nhắc nhở các DN thực hiện bảo hộ trí tuệ, với mong muốn hình thành một thói quen văn minh: tôn trọng tài sản chất xám.

    Trong một bài viết gần đây, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự - Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam đã tâm sự rất thật: "chúng ta muốn có thị trường toàn cầu, chúng ta phải mở cửa". Gia nhập WTO để phát triển nhưng không có nghĩa gia nhập WTO là chúng ta giàu có lên ngay hay chúng ta nghèo đi mà đó là một cơ hội. Chúng ta tranh thủ được cơ hội thì chúng ta giàu có. Chúng ta vượt qua thách thức chúng ta có cơ hội mới. Tranh thủ được cơ hội này và chấp nhận vượt qua thách thức chúng ta sẽ đưa nền kinh tế phát triển lên trình độ cao hơn nhưng cũng đòi hỏi sự cố gắng của tất cả các bộ ngành, đặc biệt là sự lao động sáng tạo, liên kết chặt chẽ giữa các DN Việt Nam với nhau để chúng ta mạnh hơn và phát triển nhanh hơn.

    Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh rằng, thách thức và cơ hội đan xen và chuyển hoá lẫn nhau, không ở trạng thái tĩnh mà luôn luôn chuyển động. Nếu có quyết tâm, chính sách khôn ngoan thì cơ hội sẽ nhiều hơn thách thức. Nếu kém hiểu biết, bám lấy thói quen cũ không còn thích hợp thách thức sẽ lớn hơn cơ hội.

  • Vietnamnet