Những tồn tại lớn của VN khi gia nhập WTO được nêu bật tại hội thảo "VN gia nhập WTO" do Ủy ban đối ngoại Quốc hội tổ chức tại TP.HCM, ngày 21/8.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện phó Viện kinh tế VN, đưa ra cái nhìn có phần "xám màu" về tình hình VN khi gia nhập WTO: VN tăng trưởng nhanh nhưng vẫn tụt hậu xa hơn cả về lượng và chất, sức cạnh tranh tụt 21 bậc trong 2 năm 2004, 2005 - WEF.
Đặc biệt đáng lưu ý: sức cạnh tranh sụt giảm mạnh so với các đối thủ cạnh tranh chủ yếu (Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ) khi nền kinh tế bước vào quá trình hội nhập sâu và toàn diện.
Cổ phần hóa lâm vào cảnh "bình mới rượu cũ"?
Ông Ô. M. Samuel, cựu đại sứ Mỹ tại WTO, khẳng định, cổ phần hóa nhanh chóng các doanh nghiệp nhà nước, buộc doanh nghiệp phải làm ăn hiệu quả hơn là một trong những việc làm quan trọng nhất khi VN gia nhập WTO.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Trân, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội, cho rằng: Điều đáng lo ngại là việc cổ phần hóa có khả năng lâm vào cảnh "bình mới rượu cũ". Vấn đề không phải là cổ phần hóa mà là sau cổ phần hóa. Không cẩn thận lại quay về cơ chế bao cấp đối với các doanh nghiệp đã cổ phần.
Bà Phạm Chi Lan phân tích rõ hơn: "2.000 doanh nghiệp cổ phần hóa hiện nay vẫn có 91% vốn của nhà nước. Như vậy, lỗ hay lãi nhà nước vẫn phải chịu".
Về tốc độ cổ phần hóa, ông Vũ Mão, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội, không ngần ngại: "Chẳng qua các Bộ muốn giữ một số doanh nghiệp nhà nước vì một số lý do riêng, mà các doanh nghiệp cũng vì thế mà ỷ lại. Nếu nhà nước ra quyết định cắt trợ cấp ngay lập tức thì các doanh nghiệp này sẽ phải nhanh chóng cổ phần hóa vì không còn cách nào khác".
Vấn đề lập kế hoạch cũng bộc lộ bất cập của VN. Bà Phạm Chi Lan đưa ví dụ: VN có kế hoạch đầu tư 1.800 tỷ đồng để xây dựng ngành ô tô, phấn đấu 10 năm nữa chiếm 60% thị trường VN. Đây là nhiệm vụ khó khả thi, vì khi VN gia nhập WTO, ô tô của các nước khác sẽ tràn vào và ô tô của VN rất khó cạnh tranh. Lẽ ra nên lấy tiền đó đầu tư vào nông nghiệp. Chỉ cần 1 tỷ đồng đã có thể làm thay đổi đời sống của nhiều nông dân, sự phát triển của nhiều doanh nghiệp nông thôn đang rất trì trệ.
Theo bà Lan, việc lập kế hoạch tại VN gần như mới chỉ dựa trên những gì có trong nước, chưa có sự nghiên cứu tình hình các nước. Chẳng hạn, xây dựng kế hoạch phát triển ngành ô tô tại VN cần nghiên cứu những thành công, thất bại của thị trường ô tô một số nước đi trước và tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp liên quan. Nếu xác định là sai lầm thì nên mạnh dạn bỏ đi hơn là tiếp tục làm.
"Tại sao sau 20 năm, vẫn không có doanh nghiệp tư nhân lớn?"
Về mô hình phát triển trong hội nhập, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, VN cần từ bỏ mô hình rượt đuổi truyền thống (mục tiêu GDP, hiện vật, khai thác tài nguyên), chuyển sang mô hình rượt đuổi hiện đại: lấy phát triển công nghệ làm trung tâm, dựa chủ yếu và trí tuệ và công nghệ cao, lấy rượt đuổi công nghệ làm nội dung chính, mạnh dạn bước vào công nghệ cao.
"Tại sao sau 20 năm phát triển kinh tế thị trường, vẫn không có doanh nghiệp tư nhân lớn?" - PGS Thiên băn khoăn. Theo ông, VN chưa có chiến lược phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân của VN vẫn mang vẫn phát triển tự phát. Bên cạnh khắc phục việc trên, PGS Thiên cho rằng, cần xóa phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.
Ông Ô. M. Samuel còn nhận xét, VN vẫn còn quá ít doanh nghiệp (tính trung bình 400 người mới có một doanh nghiệp, trong khi ở nhiều nước, 40 người đã có một doanh nghiệp). Ông góp ý, VN cần tạo điều kiện về vốn hơn nữa cho doanh nghiệp tư nhân.