• Chất lượng tổng hợp tối ưu Của sản phẩm và hàng hóa công nghiệp
  • 14:52 13/07/2005
  • Việc đánh giá chất lượng tổng hợp của sản phẩm là một việc khó, nhưng việc bảo đảm chất lượng tổng hợp sản phẩm (CLTHSP) cao còn khó hơn. Các vấn đề như ai đề ra chỉ tiêu chất lượng tổng hợp (CLTH)? CLTHSP bao gồm các chỉ tiêu gì? Ai quản lý, kiểm tra đánh giá CLTHSP? Ai chịu trách nhiệm về CLTHSP? v.v... cần được quy định rõ ràng và thống nhất.

    CLTHSP không những cần được bảo đảm mà cần luôn được nâng cao. Ta có thể hình dung là quá trình thiết kế chế tạo, sử dụng sản phẩm là cả quá trình sáng tạo liên tục, trong đó quá trình thiết kế sản phẩm có vai trò quyết định đầu tiên, quan trọng nhất về mặt sáng tạo.

    Từ đó dẫn đến một kết luận quan trọng là CLTHSP phải được người thiết kế chủ nhiệm đề tài, công trình sư, kỹ sư trưởng... trên cơ sở mục đích sử dụng sản phẩm mà hình dung đề cập khởi sướng dự đoán một cách toàn diện bao gồm các chỉ tiêu, các yếu tố, điều kiện, khía cạnh liên quan. Như vậy, CLTHSP phụ thuộc trước hết vào quan điểm, năng lực của người chịu trách nhiệm thiết kế ra sản phẩm và hàng hóa.

    Những vấn đề được nêu dưới đây không những đáp ứng được các sản phẩm công nghiệp với qui mô lớn như các công trình liên hợp xí nghiệp, nhà máy, công trường đóng tàu, các nhà máy công cụ lớn và công cụ cầm tay, các máy và thiết bị công nghệ các loại (công nghệ cơ khí, hóa chất, thực phẩm, dược phẩm...) các phương tiện giao thông vận tải, máy và thiết bị nghiên cứu KHKT, y tế, mà còn đáp ứng chung cho các sản phẩm công nghiệp khác dùng trong gia đình, trong các sinh hoạt khác trong xã hội và đồ chơi cho trẻ em cho đến các thiết bị điện tử phức tạp, các máy tính điện tử, quang điện tử, quang tử, các hệ thống robốt... từ các sản phẩm có hàng chục nghìn chi tiết trở lên cho đến các sản phẩm công nghiệp (SPCN) chỉ có một hoặc hai chi tiết như chia vặn dẹt. Một SPCN là sự phối hợp về cấu trúc cũng như hoạt động của các bộ phận và các chi tiết riêng lẻ, vì vậy cho nên CLTHSP phải được đề cập không những chỉ tới sản phẩm hoàn chỉnh mà còn phải đề cập tới từng chi tiết riêng lẻ cho đến mối quan hệ giữa chúng; giữa các sản phẩm hoànchỉnh trong tổ hợp của nó, trong môi trường vật phẩm và với con người.

    Chất lượng tổng hợp của sản phẩm và hàng hóa công nghiệp bao gồm các tính chất tạo ra giá trị sử dụng, nói lên mức độ mà sản phẩm công nghiệp thỏa mãn nhu cầu nhất định nào đó trong những điều kiện xác định của sản xuất, sử dụng và tiêu dùng CLTHSP và hàng hóa côngnghiệp thể hiện thông qua các chỉ tiêu sau đây với độ tin cậy của chúng:

    1) Chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật chuyên ngành và phức hợp:

    2) Chỉ tiêu chất lượng ergonomie 

    (quan hệ sản phẩm và con người sử dụng).

    3. Chỉ tiêu chất lượng thẩm mỹ công nghiệp.

    4. Chỉ tiêu chất lượng thuộc phạm vi công nghệ chế tạo.

    5. Chỉ tiêu chất lượng thuộc phạm vi các vật liệu tạo ra sản phẩm.

    6. Chỉ tiêu chất lượng kinh tế.

    7. Chỉ tiêu chất lượng thuộc phạm vi tính chất xã hội, của sản phẩm.

    Đối với một sản phẩm cụ thể, các chỉ tiêu kỹ thuật, ergonemie, mỹ thuật công nghiệp, vật liệu là các yếu tố trực tiếp tạo thành tính công dụng của sản phẩm.

    Có nhiều quan điểm về chất lượng sản phẩm. Chúng tôi nêu một vài làm ví dụ. Đến một trình độ nào đó, chất lượng là mục tiêu số 1 của sản xuất, ngày nay trong quan hệ kinh doanh buôn bán, cạnh tranh về giá cả nhường chỗ cho cạnh tranh về chất lượng thị trường của người bán chuyển thành thị trường của người mua.

    Có một kiểu quan niệm rất phổ biến trong nhiều người về chấtlượng và có ý niệm về chất lượng, nhưng không biết cụ thể chất lượng sản phẩm bao gồm cụ thể các chỉ tiêu gì thường họ quan niệm đơn giản và phiến diện không đầy đủ tất cả 7 loại chi tiêu nêu trên, do không đầy đủ kiến thức về sản phẩm và hàng hóa, về sản xuất và tiêu dùng, về kinh tế và xã hội, có khi do chủ quan bỏ qua, thậm chí cố tình không biết đến.

    Để giải quyết cho đúng vấn đề chất lượng sản phẩm cần có quan niệm toàn diện, thực tiễn, bảo đảm được sản xuất và tiêu dùng. Như vậy, chất lượng tổng hợp của sản phẩm và hàng hóa công nghiệp phải là kết quả của sự cân nhắc tối ưu về nhiều phương diện có liên quan tới các chỉ tiêu nêu trên, dựa vào các nguyên lý liên hệ phổ biến, phát triển của sự vận động liên hệ giữa các phạm trù, tức là trên quan điểm duy vật biện chứng và lịch sử, kinh tế và xã hội.

    Đối với từng loại sản phẩm cụ thể, việc cân nhắc tối ưu CLTH thông qua việc định lượng cho Hệ số quan trọng của từng chỉ tiêu chất lượng nêu trên. Để có thể sản xuất hàng loạt, một loại sản phẩm mới, cần phải có giai đoạn chế tạo thử sau đó hoàn chỉnh thiết kế điều chỉnh lại các chỉ tiêu chất lượng trong mối quan hệ tổng hợp tối ưu và quyết định chính thức cho sản xuất loại lớn.

    Trong quá trình chế tạo ra sản phẩm, để có được CLTHSP theo thiết kế, tất cả mọi người trực tiếp hoặc gián tiếp trong quá trình tham gia sáng tạo ra nó trước hết phải có trách nhiệm cao và có kỷ luật lao động công nghiệp nghiêm túc. Việc đánh giá CLTHSP trên bản thiết kế cũng như đối với sản phẩm thật đã được chế tạo ra cần phải được các hội đồng đánh giá CLTHSP có năng lực toàn diện về các mặt thuộc các chỉ tiêu trên đảm nhiệm. Còn việc kiểm tra chất lượng theo từng chỉ tiêu riêng lẻ, bộ phận các chi tiết đã chế tạo ra trong quá trình sản xuất thì do các nhóm KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) trong từng xưởng đảm nhận.

    Khi một bản thiết kế đã được duyệt ở một cấp lãnh đạo nào đó có thẩm quyền quyết định thì khi muốn thay đổi thiết kế cũng phải được cấp đó đồng ý. Khi thiết kế, đã được duyệt thì bản quyền của người thiết kế được đảm bảo. Khi xét duyệt các thay đổi sau này so với thiết kế ban đầu, ví dụ như sáng kiến cải tiến thì phải bảo đảm nguyên tắc là các thay đổi đó không làm cho CLTHSP bị giảm đi, trừ các trường hợp ngoại lệ, bởi vì các chỉ tiêu chất lượng nêu trên quan hệ rất chặt chẽ với nhau, khi thay đổi chỉ tiêu này có thể làm tăng hoặc giảm chỉ tiêu khác, điều này dẫn đến việc nâng cao hoặc giảm CLTHSP của sản phẩm.

    Tính chất tối ưu của CLTHSP mang tính lịch sử, nó phụ thuộc vào trình độ phát triển KHKT nền sản xuất và nhu cầu xã hội trong từng giai đoạn lịch sử.

    Sau đây chúng tôi nêu một số vấn đề và ví dụ trong từng chỉ tiêu chất lượng nêu trên, tuy trong phạm vi bài này kông thể đề cập được tất cả, nhưng cũng cố gắng những vấn đề thường gặp và quan trọng nhất trong quá trình thiết kế, chế tạo, vận chuyển, bảo quản, vận hành khai thác, sửa chữa sản phẩm và hàng hóa công nghiệp.

    Các chỉ tiêu chất lượng riêng biệt của CLTH và quan hệ giữa chúng

    1. Chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật chuyên ngành và phức hợp.

    Nền sản xuất dần dần được cơ khí hóa và tự động hóa, các sản phẩm công nghiệp ngày càng phong phú và đa dạng. Tuy ở các mức độ khác nhau, các sản phẩm công nghiệp thường là các sản phẩm phức hợp cơ khí - điện tử quang học - hóa - sinh vật học.

    Xuất phát từ tình hình trên, sản phẩm phức hợp thường do người có kỹ thuật chuyên ngành khác nhau phối hợp thiết kế dưới sự điều khiển của một người chịu trách nhiệm (chủ nhiệm đề tài, kỹ sư trưởng...). Các vấn đề thuộc chỉ tiêu chất lượng này tùy thuộc vào công dụng, mục đích sử dụng sản phẩm. Nó được đề cập tới một cách cụ thể những hiện tượng, quá trình sẽ xảy ra trong quá trình tồn tại và hoạt động của sản phẩm về các phương diện vật lý, hóa học, sinh vật học ở bên trong sản phẩm và trong quan hệ sản phẩm với môi trường của nó.

    Sử dụng các công cụ tính toán, các lý thuyết và các kỹ thuật chuyên ngành, các quy luật vận động, các mối liên hệ giữa các chuyên ngành khác nhau, các phương tiện thí nghiệm, đo lường, kiểm tra... các nhà thiết kế nêu ra định tính, định lượng, cho các vấn đề của chỉ tiêu kỹ thuật như: các thông số hoạt động năng suất, hiệu suất. Trình độ tiên tiến, mức độ hiện đại hóănh tự động hóa, điều khiển, điều chỉnh độ bền cơ học, vật lý, hóa học, sinh vật học, độ chính xác, độ nhạy, độ ổn định trong trạng thái cân bằng động, tuổi thọ của sản phẩm v.v... người ta khuyên rằng cần sử dụng các số và dãy số ưu tiên trong việc thiết kế kỹ thuật.

    Về phương diện này, đôid khi đòi hỏi người ta cần có các biện pháp bảo đảm bí mật của thiết kế như các hồ sơ mật, hoặc sản phẩm tự phá hủy khi bị tháo ra... Bên cạnh đó, sản phẩm cũng đòi hỏi có khả năng nhất định để có thể chịu đựng và vượt qua được một số hiện tượng mới lạ nào đó trong quá trình họat động và tồn tại của nó.

    Sản phẩm phải có khả năng chịu đựng và được bảo vệ trong môi trường khí hậu trong điều kiện và môi trường công tác.

    Mỗi một vùng địa lý có khí hậu riêng: nhiệt đới, ôn đới, hàn đới, vùng lục địa (đồng bằng, rừng núi, ao hồ, sông ngòi...) vùng biên giới đại dương... Các tác động của các yếu tố khí hậu đa số theo chiều hướng phá hủy sản phẩm. Nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm. Các sản phẩm công nghiệp nhập vào nước ta cần được nhiệt đới hóa. Các sản phẩm công nghiệp nước ta xuất cảng cần có sức chịu đựng trong môi trường khí hậu của nơi sử dụng sản phẩm đó.

    Trong cùng một vùng khí hậu thì điều kiện công tác và môi trường công tác của các sản phẩm cũng rất khác nhau. Các nhà thiết kế cần phải biết sản phẩm mình thiết kế ra sẽ phải chịu đựng các tác động nào của điều kiện và môi trường công tác, để có biện pháp tích cực bảo vệ sản phẩm. Các tác động đó là: ví dụ như rung, chấn, va đập, điện từ trường, áp suất cao, thấp, nhiệt độ cao thấp, các loại bụi, đất đá, nước các tác động của các hóa hcất, tác động của sinh vật (ví dụ như sự phá hủy do nấm mốc, chuột, mối, dán, mọt các loài gậm nhấm và sinh vật khác). Sức chịu đựng trong điều kiện khí hậu và môi trường công tác cần đặc biệt lưu ý cho các sản phẩm điện tử, quang học, cơ khí chính xác, máy và thiết bị hóa chất, nông nghiệp, ngư nghiệp làm đường đi, các máy và thiết bị đo lường nghiên cứu KHKT, khảo sát các môi trường lạ như vũ trụ, trong lòng đất, lòng sông, biển, đại dương, trong cơ thể sinh vật.

    Để nâng cao chất lượng sản phẩm, người ta áp dụng phương pháp phỏng sinh học (bionic). Trong quá trình nghiên cứu thiết kế, các nhà khoa học cho rằng thế giới sinh vật được thiên nhiên tạo ra là hết sức hoàn thiện, chúng tồn tại ở trạng thái cân bằng động của môi trường sống tự do, thế giới sinh vật trở thành hết sức hấp dẫn vì chúng ta có thể học tập bắt chước, thâm khảo các sản phẩm tuyệt diệu ấy của thiên nhiên mà đỉnh cao là bộ não con người.

    Sử dụng linh hoạt các nguyên lý, phát hiện nguyên lý mới, thay đổi hoàn chỉnh các phương án cũng là các phương pháp nâng cao kỹ thuật của sản phẩm.

    Chất lượng kỹ thuật cũng đòi hỏi cách xử lý sản phẩm khi bị hư hỏng, cần sửa chữa, thay thế phụ tùng, chi tiết... sao cho dễ dàng và thuận tiện, kinh tế, nó cũng đòi hỏi quy định về bảo quản, vận chuyển, vận hành, khai thác, bảo hành.

    Chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật liên quan chặt chẽ với các chỉ tiêu khác. Ví dụ hình dáng các phương tiện giao thông vận tải có tốc độ cao phải phù hợp với các tính toán thủy khí động học, kết quả đó thường cho hình dáng đẹp về mặt thẩm mỹ công nghiệp. Chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật có vai trò quan trọng tạo ra công dụng của sản phẩm một khi khả năng này cao hơn nhu cầu sử dụng thực tế thì chỉ tiêu kinh tế bị vi phạm, tức là bị lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng. Với cùng tính năng kỹ thuật, sản phẩm nào có kết cấu đơn giản thì sẽ kinh tế hơn. Việc xác định các hêôs an toàn khi thiết kế cần được chú trọng trong mối quan hệ tổng hợp của chất lượng tối ưu, an toàn cho người sử dụng, cho sản phẩm và tính kinh tế, xã hội.

    2-Chỉ tiêu chất lượng ERGONOMIE quan hệ con người - sản phẩm, môi trường sống.

    Con người yêu cầu là các sản phẩm được chế tạo ra phải phù hợp với người sử dụng. Họ phải được bảo vệ an toàn trong quan hệ với sản phẩm. Sản phẩm phải phù hợp và thỏa mãn các yêu cầu về cơ thể, tâm sinh lí, thuận tiện khi sử dụng...

    Bên cạnh đó sản phẩm không được làm ô nhiễm môi trường và các phương diện vật lí, hóa học, sinh vật học, phải chú ý quan hệ giữa sản phẩm và tính ổn định cân bằng động của môi trường sống mà trong đó có sản phẩm ấy.

    Một trong các nguyên tắc của ERGONOMIE là tất cả các tác đọng của sản phẩm đối với con người trong quan hệ con người sản phẩm phải nằm dưới ngưỡng cao của cảm giác và cao hơn ngưỡng thấp của cảm giác của con người sử dụng. Nêu vượt ra ngoài hai ngưỡng thì khả năng làm việc của con người bị suy sụp nhanh chóng. Tuy nhiên, các sản phẩm phục vụ sự an ninh, tra tấn, hành hình thì phải áp dụng ngược lại (như các vũ khí, vật lí, hóa học, sinh vật học...), tăng hiệu quả chiến đấu của người sử dụng, giảm sức mạnh của đối phương.

    Tổ chức y tế thế giới đưa ra các con số 5%, 50%, 95% tỷ lệ kích thước trong hằng số sinh học của dân làm cơ sở kích thước cho việc thiết kế ergônômie. Ví dụ, ở bảng điều khiển trung tâm, độ cao của nút bấm cao nhất có kích thước sao cho 95% số người lao động trong xã hội có khả năng với tay cao hơn kích thước thiết kế, các bộ phận chỉ thị, thông báo, báo gọi, điều khiển, chỉ huy... cho các sản phẩm máy, thiết bị thì cần đặcbiệt chú ý đến chỉ tiêu này, cũng như đối với các sản phẩm có quan hệ với sinh vật (dùng trong chăn nuôi, thí nghiệm sinh vật dược phẩm...) ví dụ, các thiết bị điện tử dùng trong bệnh viện cần có bộ nạp điện tự động từ nguồn ắc qui để phòng khi điện thành phố bị mất thì người bệnh không bị nguy hiểm.

    Chỉ tiêu ergônômie có quan hệ chặt chẽ với các chỉ tiêu khác, nhất là với chất lượng thẩm mỹ công nghiệp, ví dụ, khi xử lý màu sắc, tỷ lệ, kích thước... trong việc sử dụng vật liệu cũng vậy, ví dụ không được sử dụng các vật liệu có thể gây độc hại để sản xuất các sản phẩm dùng trong công nghiệp thực phẩm.

    Một trong các yêu cầu của ergônômie là sản phẩm được chế tạo gây ra được cảm giác dễ chịu, thoải mái khi sử dụng chóng mệ, mỏi, nhầm lẫn... Các ngưỡng cảm giác dễ chịu tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có giới tính, lứa tuổi, loại công việc v.v... Cần tránh thiết kế tùy tiện, cảm tiính, ví dụ, khi thiết kế bảng điều khiển chỉ dẫn cần tránh các kiểu chữ, số khó đọc, màu sắc gây lóa mắt (như chữ đỏ trên nền xanh thẫm). Như vậy còn hạn chế các tai nạn lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

    Do yêu cầu khách quan như vậy, chất lượng ergônômie cần được coi trọng. Nó không những là tráchnhiệm của chúng ta mà còn thể hiện đạo đức của người thết kế nữa, thể hiện coi trọng con người, tôn trọng người sử dụng,cùng sự tồn tại chung của sinh vật trong môi trường sinh thái.

    3-Chỉ tiêu chất lượng mỹ thuật công nghiệp (CLMTCN).

    Ngày nay khi nói về CLTHSP công nghiệp người ta bắt buộc phải chú ý đến chất lượng thẩm mỹ công nghiệp. Trong các lĩnh vực thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, người ta ngày càng nghiêm khắc với thái độ thờ ơ hoặc bỏ qua, coi nhẹ chỉ tiêu này. Thực tế chỉ ra rằng có nhiều sản phẩm bị xã hội loại trừ do CLMTCN không còn phù hợp, trong khi đó nhiều loại sản phẩm được tiêu thụ nhanh trên thị trường do CLMTCN cao, trong sự so sánh cùng tính năng kỹ thuật với các sản phẩm khác cùng chủng loại.

    CLMTCN có nội dung gì và có quan hệ với các chỉ tiêu chất lượng khác như thế nào? Điều này không phải lúc nào cũng được trả lời đầy đủ và dễ dàng, vì một trong các lí do là cảm xúc thẩm mĩ của mỗi người một khác, đó là do quan niệm và trình độ am hiểu mỹ thuật có khác nhau, đôi khi nặng về chủ quan, chứ chưa nói đến thiếu quan tâm đến chỉ tiêu này. Điều này thường xảy ra trong một nền sản xuất nhỏ, lạc hâu, nhu cầu lớn hơn khả năng cung cấp.

    Những yếu tố của thẩm mỹ như hình dáng, kích thước và tỷ lệ kích thước, màu sắc các hình thức trang trí đều gắn liền với các chỉ tiêu chất lượng khác,vì vậy hiệu quả thẩm mỹ là khách quan và thiết kế mỹ thuật công nghiệp không thể tự do bằng mỹ thuật nghệ thuật được. Nhưng vì quan niệm về cái đẹp nói chung còn phụ thuộc từng người nên thẩm mỹ công nghiệp cũng có tính chủ quan nên nó phong phú và đa dạng. Các vấn đề của CLMTCN không những chỉ liên quan đến thị giác mà còn cả đến thính giác, cơ giác vận động nữa.

    Khi nền sản xuất và sự phát triển của xã hội đạt đến trình độ nào đó thì người ta còn mong muốn mỗi sản phẩm công nghiệp còn là một tác phẩm nghệ thuật nữa. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu đó các nhà thiết kế cần có các am hiểu về nghệ thuật như hội họa, nặn tượng, âm nhạc... cũng như các quy luật cảm xúc thẩm mỹ.

    Thiết kế MTCN cũng sử dụng các số và dãy số ưu tiên. Đó là các con số và dãy số mà toán học đã chỉ ra về sự hợp lý về kích thước về tỷ lệ kích thước, chính xác về mặt toán học, có tác dụng thẩm mỹ, và ứng dụng vạn năng, bậc phân cấp theo cấp số nhân là quà tặng của thiên nhiên cho chúng ta. Vì chúng ta cảm giác theo định luật của VEDER PHECHNER; Độ cảm ứng tỷ lệ với logarit của độ kích thích, nghĩa là độ cảm ứng tăng theo cấp số cộng khi độ kích thích tăng theo cấp số nhân.

    Môn BIONIC (phỏng sinh học) cũng giúp chúng ta thiết kế thẩm mỹ công nghiệp một cách tích cực và cho kết quả cao.

    Khi thiết kế MTCN người ta chú ý quan hệ của sản phẩm trong tổ hợp của nó, với mục đích làm nổi bật cá biệt hoặc thỏa mãn hài hòa tức là đảm bảo tính đồng bộ của môi trường vật phẩm.

    CLMTCN bị ràng buộc bởi các chỉ tiêu chất lượng, cũng như có khi khống chế chúng. Không đảm bảo được quan hệ này sẽ cho ta CLMTCN giả tạo, vì hợp lí là một trong các tính chất của thẩm mỹ. Quảng cáo kinh doanh cũng là một công việc cần đến MTCN.

    4. Chỉ tiêu chất lượng vật liệu tạo thành sản phẩm.

    Vật liệu bao gồm các chất liệu cụ thể tạo thành sản phẩm. Chất lượng của chúng cần đáp ứng cho các chỉ tiêu kỹ thuật, ergonomie mỹ thuật, khả năng công nghiệp chế tạo, tính kinh tế và xã hội. Việc chọn vật liệu phải nằm trong các mối quan hệ đó.

    Khi thay đổi vật liệu có thể dẫn đến sự thay đổi các chỉ tiêu chất lượng khác. Nhiều khi thiết kế đòi hỏi phải có các loại vật liệu mới và sự xuất hiện các vật liệu mới mở đường cho thiết kế có các sáng tạo phong phú.

    Nhiều trường hợp phải giữ bí mật về vật liệu. Có sản phẩm do bị lộ bí mật về vật liệu mà mất tính năng sử dụng hoặc kinh doanh.

    Tuổi thọ của sản phẩm cũng phụ thuộc vào tuổi thọ của vật liệu, như vật liệu bị già hóa do nhiều nguyên nhân. Cũng do vật liệu mới xuất hiện làm cho các sản phẩm được chế tạo từ các vật liệu cũ bị hao mòn vô hình nhanh hơn. Trong hoàn cảnh khó khăn về vật liệu, việc tìm các loại khác có thể thay thế được có ý nghĩa kinh tế rất lớn.

    5. Chỉ tiêu chất lượng thuộc phạm vi công nghệ chế tạo.

    Nói đến công nghiệp chế tạo, cần hiểu bao gồm có máy, thiết bị công nghệ, kỹ thuật công nghệ, con người thực hiện hoặc điều khiển quá trình công nghệ. Quá trình công nghệ chế tạo ra sản phẩm có sử dụng các phương tiện tính toán, kiểm tra, đo lường, các thiết bị điều chỉnh, điều khiển, ổn định khống chế, các thông số công nghệ, điều hòa vi khí hậu... cho nên khi thiết kế, cần quan tâm đến các khả năng trên.

    Việc bảo dưỡng các máy và thiết bị dùng trong công nghệ cần được bảo đảm vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến CLSP. Năng lượng cần được cung cấp ổn định, nếu không hàng loạt máy công nghệ và sản phẩm bị phá hủy. Các vật tư để đảm bảo an toàn lao động nếu không đầy đủ về chất lượng và số lượng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và CLSP.

    Công nghệ là một trong các vấn đề phức tạp và nhiều khi chưa thống nhất. Có khi cùng một bản thiết kế, công nghệ khác nhau hoặc kĩ thuật công nghệ khác nhau sẽ cho CLSP khác nhau. Công nghệ nhiệt luyện là một trong các ví dụ, hoặc công nghệ quấn biến áp bằng tay cho CLSP khác quấn bằng máy tự động.

    Nhiều khi thiết kế ép buộc phải tìm một phương pháp công nghệ mới, các công nghệ mới ra đời lại mở đường cho thiết kế: Thay đổi công nghệ cũng là biện pháp nâng cao CLSP. Một trong các ví dụ là việc áp dụng năng lượng tia lade trong công nghiệp tạo ra một bước ngoặt trong việc nâng cao CLSP và năng suất lao động. Song song với việc cố gắng nhanh chóng áp dụng các công nghệ tiên tiến, tìm các điều kiện công nghệ lý tưởng (như thực hiện công nghệ trong vũ trụ, trong các điều kiện đặc biệt...) chúng cần tăng cường tự trang tự chế các máy công nghệ mới, tăng cường cơ khí hóa tự động hóa quá trình công nghệ...

    Các thông số công nghệ cần được ổn định liên tục. Tổ chức sản xuất kỷ luật công nghệ đều có ảnh hưởng đến CLSP. Các cách sản xuất tùy tiện trong công nghệ, tự ý thay đổi hoặc cắt bớt công nghệ, có khi lại quá coi trọng công nghệ mà không cân đối trong quan hệ với các chỉ tiêu chất lượng khác... đều tạo ra ảnh hưởng xấu đến CLSP.

    Do SPCN phức hợp bao gồm nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau nên công nghệ cũng là sự phối hợp chế tạo của nhiều ngành công nghhiệp khác nhau. Nó đòi hỏi một sự phát triển đồng bộ và toàn diện của các lĩnh vực công nghiệp. Để tận dụng khả năng công nghệ của các xí nghiệp khác nhau, cần đẩy mạnh sự hợp tác giữa các xí nghiệp trong nước và quan hệ hợp tác quốc tế. Công nghiệp điện tử là một trong các ví dụ về vấn đề này.

    Con người ngày càng cố gắng tách mình ra khỏi quá trình công nghệ, đứng ngoài nó và chỉ điều khiển nó thông qua các máy tích điện tử và quá trình tự động hóa. Thực tế trên thế giới cũng như ở nước ta, con người đã không thể trực tiếp thao tác một số qui trình công nghệ, mà chỉ có máy tự động mới thực hiện nổi các công nghệ đó, ví dụ trong công nghệ hóa chất, điện tử,... Người ta đã có nhiều thành công trong việc chế tạo người máy (rôbốt) và sử dụng nó có hiệu quả trong công nghệ chế tạo sản phẩm. Nhưng cho đến hiện nay, nhiều thao tác công nghệ bằng tay của người thợ đảm đương các công việc mà máy móc chưa thể thay thế, như việc cạo ra các mặt phẳng và các ổ trục, cho nên trong công nghệ không phải dễ dàng gì máy móc có thể thay thế hoàn toàn con người, hay nói cách khác con người chưa đủ trình độ để hoàn toàn chế tạo được máy móc và thiết bị thay thế hẳn mình trong quá trình công nghệ chế tạo ra sản phẩm.

    Hiện nay nói chung trình độ công nghệ của chúng ta còn chưa cao, thiết bị máy móc chưa đầy đủ và đồng bộ nên có nhiều khó khăn trong việc đảm bảo CLSP, chưa đáp ứng yêu cầu của thiết kế. Bên cạnh đó có khi người thiết kế không hiểu tốt về công nghệ, không quan hệ chặt chẽ với công nghệ, nên nhiều khi thiết kế chặt chẽ với công nghệ, nên nhiều khi thiết kế ra những khả năng côngnghệ chưa thực hiện được, gây mâu thuẫn giữa thiết kế và công nghệ, làm ảnh hưởng xấu đến CLSP.

    Công nghệ chế tạo khống chế, ràng buộc và phụ thuộc vào chỉ tiêu chất lượng khác. Cũng chính do yêu cầu của công nghệ và mỹ thuật công nghiệp cũng theo xu hướng sao cho đề gia công tránh các hình dáng cầu kì, phức tạp. Trình độ công nghệ cao sẽ nâng cao các chỉ tiêu, chất lượng khác. Các thiết bị, xử lý chất thải từ quá trình công nghệ để tiết kiệm sử dụng chất thải và chống ô nhiễm môi trường sinh thái cần được chú ý đặc biệt và nghiêm khắc.

    Quá trình công nghệ chính là quá trình biến sản phẩm trên bản thiết kế thành sản phẩm thật cùng chỉ tiêu. Chất lượng tổng hợp đã được khởi xướng và dự báo. Giai đoạn đầu của thiết kế là thiết kế công nghệ. Quá trình công nghệ là quá trình thực hiện, kiểm nghiệm, hiệu chỉnh thiết kế và là quá trình sáng tạo lần thứ hai.

    Nhiều qui trình công nghệ cùng với máy móc và thiết bị cần phải giữ bí mật do yêu cầu của kinh tế an ninh quốc phòng.

    6. Chỉ tiêu chất lượng kinh tế.

    Đây là một chỉ tiêu rất quan trọng vầ phức tạp, chúng tôi chỉ nêu vài khía cạnh. Các nhà thiết kế, lãnh đạo và điều khiển sản xuất cần cân nhắc kỹ trong mối quan hệ giữa CLTHSP với giá trị sử dụng và giá trị của sản phẩm và hàng hóa nhằm mục đích là đạt hiệu quả cao trong hạch toán kinh tế, sản phẩm cần có giá cả phải chăng và tiêu thụ nhanh trên thị trường, lúc ấy việc định tính và định lượng tối ưu cho chất lượng tổng hợp của sản phẩm đã thành công.

    Trong thiết kế cần sử dụng các tiêu chuẩn Nhà nước, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn ngành... Bên cạnh đó, các thông số hoạt động cơ bản cần theo số và dãy số ưu tiên. Điều này có ý nghãi kinh tế rất lớn, nó góp phần nâng cao CLTHSP, tiết kiệm nhiều mặt có tính lắp lẫn, đồng bộ, tạo điều kiện cơ bản cho tất cả các biện pháp củng cố và phát triển kinh tế, nhất là cho cơ khí hóa, tự động hóa, tập trung chuyên môn hóa xí nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm.

    Cũng nhiều khi để bảo đảm tính độc quyền sản xuất, trong sản phẩm có thể có các chi tiết quan trọng được chế tạo không theo tiêu chuẩn chung nào sẵn có.

    Các chỉ tiêu chất lượng cũng cần được tiêu chuẩn hóa. Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cần đồng bộ và việc áp dụng nó cũng vậy. Tiêu chuẩn chất lượng cần phù hợp với nhu cầu phát triển và cần được nâng cao theo thời gian.

    Các sản phẩm tiêu thụ dưới dạng hàng hóa phải tuân theo các quy định của nhà nước về mặt thương nghiệp như đóng gói, bao bì, vận chuyển. Về mặt này SPCN cần phù hợp với các khả năng và phương tiện chuyên chở sẵn có, đã được tiêu chuẩn hóa. Tuy nhiên có những trường hợp cá biệt, song song với việc chế tạo sản phẩm mới, phải chế tạo phương tiện chuyên chở riêng để vận chuyển nó.

    Việc kế hoạch hóa cao và điều khiển quá trình sản xuất có khoa học sẽ nâng cao CLTHSP và năng suất lao động. Do sự phát triển của KHKT nhiều dây chuyền công nghệ cũ được thay thế hàng loạt bởi các dây chuyền mới. Việc này phải tính toán cho kinh tế nhất, có lợi nhiều mặt.

    Việc sử dụng máy tính điện tử vào quá trình thiết kế và điều khiển sản xuất là cho CLTHSP được nâng cao nhảy vọt và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cần có chi phí nhất định cho việc nghiên cứu KHKT về lý thuyết cũng như thực nghiệm trước khi chế tạo loạt lớn một loại sản phẩm mới.

    Việc xác định chỉ tiêu kinh tế trong quan hệ với các chỉ tiêu chất lượng khác phải trên quan điểm kinh tế tổng hợp, toàn diện, tránh phiến diện theo quan điểm kinh doanh đơn thuần. Ví dụ như khi xét chỉ tiêu kinh tế trong các trường hợp xác định các hệ số an toàn khi chế tạo và sử dụng máy bay, chi phí hco các thiết bị bảo hộ lao động, các phương tiện chống ô nhiễm môi trường, mức độ đầu tư cho các chỉ tiêu ecgônômie, chỉ tiêu thẩm mỹ công nghiệp cho sản phẩm, chỉ tiêu công nghệ, đầu tư nghiên cứu phát triển v.v... và các biện pháp an ninh kinh tế và xã hội.

    7. Chỉ tiêu chất lượng thuộc tính xã hội.

    Hiện nay các sản phẩm công nghiệp đã xâm nhập hầu hết các hoạt động của xã hội. Các chỉ tiêu chất lượng phải tùy vào mục đích sử dụng phù hợp với nhu cầu của xã hội trên quan điểm tối ưu nếu không sản phẩm dễ dàng bị xã hội loại trừ. Đó là vấn đề sống còn của sản phẩm cũng như của cơ sở công nghiệp sản xuất ra nó.

    Mức độ hiện đại hóa cũng cần phù hợp với trình độ xã hội. Trong nhiều trường hợp bí mật một số chỉ tiêu chất lượng là yếu tố sống còn của sản phẩm. Cần chú trọng làm Marketing.

    Một số khía cạnh cảu chất lượng phụ thuộc nhiều vào đòi hỏi theo trào lưu chung của xã hội, ví dụ như chất lượng thẩm mỹ công nghiệp. Vì vậy cũng đã xuất hiện tình trạng làm hàng giả, ăn cắp nhãn hiệu, giả nguyên vật liệu, hình thức lập dị... Cần tránh tình trạng sản xuất vài loạt đầu có chất lượng tốt, sau đó chất lượng giảm dần độ sản xuất không đủ cho tiêu thụ, xã hội quá dễ dãi chấp nhận, kiểm tra chất lượng không khách quan, quản lý chất lượng lồng ghép, thiếu trách nhiệm, chế độ thưởng phạt không công bằng và không nghiêm khắc. Cũng vì vậy, người sản xuất chạy theo số lượng, làm tùy tiện, đại khái từ khâu thiết kế trở đi.

    Để có chất lượng tổng hợp cao, con người tham gia trực tiếp và chế tạo gián tiếp ra sản phẩm cần được đào tạo và tiêu chuẩn hóa, nâng cao trình độ trong quá trình sản xuất, có am hiểu toàn diện các vấn đề có liên quan đến CLTHSP. Bên cạnh đó, sức khỏe, cuộc sống vật chất và tinh thần của người lao động có ảnh hưởng đến CLTHSP. Mối quan hệ giữa người lãnh đạo sản xuất và người sản xuất, nghệ tuật điều khiển và dùng người trong quá trình sản xuất... đều có ảnh hưởng lớn đến CLTHSP. Các tính cách cá nhân của người thiết kế như cẩnthận, chu đáo, tỉ mỉ, khả năng tổng hợp các vấn đề, hoặc đại khái, tùy tiện lề mề, cách làm ăn sản xuất nhỏ... đều ảnh hưởng trực tiếp đến CLTHSP.

    Nền sản xuất xã hội, và trình độ KHKT luôn phát triển. Để nâng cao CLTHSP người thiết kế cũng như các nhà quản lý sản xuất và kinh doanh cần nắm vững khuynh hướng nhịp điệu phát triển đó để chọn phương án tối ưu. Công tác thông tin KHKT là rất quan trọng trong quá trình sáng tạo ra sản phẩm mới hoặc cải tiến một sản phẩm nào đó.

    Chất lượng cao sẽ hình thành dần dần, có tính truyền thống. Chúng ta cần có các nhà thiết kế giỏi, nhà công nghệ giỏi, công nhân giỏi. Các kỹ sư thương phẩm giỏi vànếu cần thiết họ cần được bảo vệ theo qui chế đặc biệt.

    Thay cho kết luận

    Trên đây là một số trong các vấn đề của CLTHSP công nghiệp và hàng hóa công nghiệp. Chất lượng sản phẩm cao sẽ thành truyền thống của mỗi đơn vị công nghiệp chúng ta. Sản phẩm công nghiệp phải trở thành niềm tự hào và tiến tới đủ tiêu chuẩn nhận dấu chất lượng Nhà nước./.

  • VEIC