|
Ông Trần Quang Hùng: Đầu tư cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam còn thấp hơn ngành mía đường!
|
Vừa yếu thể lực, vừa thiếu tinh thần! Đây là hiện trạng đáng buồn của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) nêu trong buổi gặp gỡ báo giới chiều 26/7 tại Hà Nội.
Theo TS Trần Việt Hùng, tổng thư ký VEIA, tổng mức đầu tư cho toàn ngành công nghiệp điện tử Việt Nam từ trước đến nay chưa đầy hai tỷ USD. Tính đến hết năm 2003, mức đầu tư là 1,6 tỷ USD, trong đó 85% là đầu tư nước ngoài (FDI). Con số này còn thấp hơn mức đầu tư cho một dây chuyền sản xuất chip của Intel (vòng đời của con chíp khoảng sáu tháng). Thậm chí, còn thấp hơn các mức đầu tư cho ngành... mía đường trong nước!
Chính vì vậy, giá trị gia tăng của ngành điện tử không lớn và hoạt động không đồng đều. Nếu như năm 1994 giá trị xuất khẩu bằng 0 thì đến năm 2000, xuất khẩu đạt 782 triệu USD. Giá trị xuất khẩu năm 2003 đạt hơn 500 triệu USD và sáu tháng đầu năm nay là 405 triệu USD. Trong 600 triệu USD giá trị xuất khẩu của Fujitsu, có hơn 500 triệu USD là nhập khẩu. Chỉ riêng hai công ty Fujitsu và Orion Hanel đã chiếm tới 95% kim ngạch xuất khẩu trong cả nước.
Định hướng chiến lược? Dang dở...
Đầu tư cho ngành công nghiệp điện tử đã nhỏ và manh mún, lại cộng thêm với việc chưa có định hướng chiến lược nào được thông qua, khiến các doanh nghiệp điện tử càng gặp nhiều khó khăn. Không có chiến lược, các doanh nghiệp điện tử buộc phải phát triển tự phát. Nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ do công nghệ quá lạc hậu, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh đã phải chuyển hướng sang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng khác.
Nhờ có những bước đi thích hợp, một số doanh nghiệp cũng đã trụ lại được trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện tử và dần dần xây dựng được uy tín thương hiệu. Tuy nhiên, chỉ nửa năm nữa thôi, dự báo các doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với những thách thức khi Việt Nam chính thức hội nhập AFTA và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Năm 2005, các cam kết về cắt giảm thuế quan theo lộ trình AFTA sẽ có hiệu lực hoàn toàn, thuế nhập khẩu các mặt hàng điện tử sẽ giảm xuống chỉ còn 0-5% nên các doanh nghiệp điện tử Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các mặt hàng điện tử của các nước ASEAN có nền công nghiệp điện tử phát triển hơn.
Sản phẩm chủ lực: Ở... mô?
Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam vốn đầu tư ít, công suất lắp ráp vài nghìn sản phẩm/năm, với số lượng nhân công không quá 500 người/doanh nghiệp nên muốn tồn tại thì cần phải có sản phẩm chủ lực.
Ông Hùng cho biết: Có thể tìm ra rất nhiều sản phẩm chủ lực, nhưng không có ai đầu tư vào. Bốn đại gia điện tử JVC, Toshiba, Panasonic và Sony đầu tư 60 triệu USD cho Tổng công ty Điện tử-Tin học Việt Nam (VEIC) chủ yếu là lắp ráp các thiết bị điện tử dân dụng bằng các linh kiện ngoại nhập, chiếm gần 80% giá thành sản phẩm. VEIC đã từng đầu tư sản xuất linh kiện máy tính là vỏ máy (case) với mức giá 22 USD nhưng không thể bán được, vì sản phẩm cùng loại sản xuất ở Đài Loan có giá... 12 USD!
Việc sản xuất linh kiện ở Việt Nam rõ ràng là không khả thi, vậy quyết sách nào cần có để ngành công nghiệp điện tử Việt Nam tồn tại và phát triển? Nhiều người cho rằng, để thoát khỏi trình độ "công nghiệp tuốc-nơ-vít" hiện nay, Việt Nam chỉ còn hướng thiết kế sản phẩm, nhất quyết hàm lượng trí tuệ phải là của Việt Nam. Nhưng thật trớ trêu, đã 20 năm nay, nền giáo dục Việt Nam chưa có ngành học này. Và có đào tạo, cũng không sử dụng được. Ông Hùng cho biết thêm: Mấy tháng trước VEIC cần tìm năm kỹ sư nghiên cứu phát triển radio báo bão cho nông dân nhưng không có, cuối cùng phải đi "thuê ngoài"!
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang trong vòng xoáy và định hướng phát triển thành ngành mũi nhọn, song nhọn đâu không thấy mà chỉ ngày càng thấy "tà" đi.
Được biết, ngày 31/7 tới đây, VEIA sẽ tổ chức đại hội toàn thể Hiệp hội lần II với tiêu chí: ''Điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam phát triển và hội nhập''. Liệu từ đây, VEIA cùng các đơn vị chức năng có liên quan sẽ mở ra một hướng đi mới, thiết thực hơn cho ngành điện tử Việt Nam? Khó, và cũng... gấp lắm rồi, vì trễ quá rồi, thưa Ông Điện tử!