• Lần đầu tiên truyền hình có Teletext tiếng
  • 09:35 10/06/2005
  • Tới đây người xem truyền hình có thể truy cập các thông tin cần biết (giá cả thị trường, tàu xe, thời tiết, chương trình giải trí, dịch vụ...) nhờ teletext. Teletext là giải pháp truyền dẫn thông tin dưới dạng văn bản (text) thông qua kênh truyền hình thông thường.

    Như vậy, từ bất cứ máy tivi nào có chức năng Teletext, người xem đều có thể vừa xem chương trình truyền hình trên tivi vừa truy cập vào Teletext để xem các thông tin cần thiết khác dưới dạng văn bản từ một đài truyền hình nào đó có phát Teletext. Dung lượng thông thường của một kênh Teletext có khoảng 800 trang thông tin. 

    Đó là công nghệ teletext đang được ứng dụng tại VN sau khi nhóm kỹ sư trẻ của Công ty cổ phần Công nghệ Việt (Vitek) hoàn thành dự án tạo phông chữ tiếng Việt cho teletext

    Thêm công dụng mới cho tivi
    Một doanh nhân thường xuyên phải ngồi đợi ngoài sân bay do các chuyến bay bị hoãn mà ông không được báo trước. Nay mọi chuyện đã khác. Trước khi rời nhà ra sân bay, ông bật tivi lên, bấm chuyển sang chế độ teletext và xem mục vận chuyển, ở đó ông đọc thấy chuyến bay của ông sẽ bị hoãn lại. 

    Ông quay lại văn phòng và tiếp tục công việc của mình. Một ví dụ khác, một ngư dân sắp ra biển nhưng lại bỏ lỡ mục dự báo thời tiết mới nhất của đài truyền hình. Ông bảo vợ mở tivi kiểm tra lại ở mục thời tiết, rồi dong thuyền ra khơi khi bà vợ báo chắc chắn cơn bão đã tan, trời sẽ quang đãng trở lại.

    Đó là những tiện ích tối thiểu mà công nghệ teletext mang lại. Teletext đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 1970 nhưng cho đến nay chỉ có một số ngôn ngữ các nước châu Âu xuất hiện trong kỹ thuật này. Singapore là nước duy nhất ở châu Á sử dụng teletext nhưng bằng tiếng Anh. 

    Từ 1998 Thái Lan đã có ủy ban nghiên cứu đề tài cấp nhà nước về teletext tiếng Thái nhưng đến nay chưa triển khai được. Như vậy, VN là nước đầu tiên ở châu Á đưa tiếng mẹ đẻ của mình vào teletext nhờ công trình nghiên cứu kéo dài gần hai năm của nhóm kỹ sư trẻ của Vitek.

    Theo kỹ sư Nguyễn Phương Thảo, trưởng nhóm, phần cứng quan trọng nhất cho teletext là máy phát teletext tiếng Việt và con chip giải mã tiếng Việt đã được hoàn chỉnh. Như vậy, nếu người xem bỏ lỡ một số thông tin họ cần vì không kịp theo dõi truyền hình vào giờ phát, họ có thể truy cập vào teletext, ở đó lưu giữ những thông tin mới nhất tương đương khoảng 800 trang văn bản. 

    Thảo kể hai năm trước đây khi gia nhập phòng nghiên cứu và phát triển của Vitek, cô chưa có khái niệm gì về teletext. Nhóm Thảo có năm người, đều là những kỹ sư trong độ tuổi 23-25 tốt nghiệp từ Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Cả nhóm mất hơn hai tháng để tìm hiểu nguyên lý hoạt động và những thông tin liên quan đến teletext. 

    Việc tìm đối tác sản xuất chip giải mã teletext tiếng Việt cũng gặp không ít khó khăn vì điều kiện đầu tiên các công ty này đòi hỏi là Vitek phải mua chip với số lượng lớn. Cuối cùng, Công ty Teletext & Data Broadcast (Đan Mạch) và Chip Design Company (Pháp) cũng đã đồng ý hỗ trợ Vitek, kể cả việc gửi kỹ sư qua VN để làm việc với nhóm của Thảo nhằm giúp tạo ra phông chữ tiếng Việt cho teletext trong thời gian ngắn nhất.

    Theo ông Lê Văn Chính, giám đốc Vitek, teletext sẽ là một giải pháp cung cấp thông tin nhanh, hữu hiệu, đặc biệt giúp ích cho nông dân ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mà Internet chưa được phổ biến. Họ sẽ sử dụng những thông tin này để theo dõi diễn biến giá cả thị trường, mùa màng thế giới, từ đó có thể quyết định giá bán sản phẩm của mình một cách chính xác nhất. Ông cho biết Vitek vẫn đang tiếp tục làm việc với các đài truyền hình để triển khai công nghệ teletext và sẽ cung cấp rộng rãi chip giải mã cho các hãng sản xuất tivi khác. 

    Giải pháp thông tin hữu hiệu cho vùng sâu, vùng xa 
    Với những đặc trưng trên, Teletext có ưu thế như: có khả năng cập nhật thông tin từng phút. Người sử dụng không cần biết sử dụng máy tính như truy cập Internet, cũng không cần có máy tính, không cần có đường dây điện thoại để kết nối. Thông tin được lưu trữ và luôn sẵn có cho người truy cập khác hẳn thông tin tuần tự phát trên truyền hình. Ưu thế nổi bật của Teletext là miễn phí hoàn toàn. Như vậy, Teletext sẽ dễ dàng triển khai ở vùng sâu, vùng xa. 

    Phổ cập teletext
    Theo ông Chính, lô hàng 10.000 con chip giải mã teletext đầu tiên đã được Công ty điện tử Tân Bình (VTB) nhập về. Đối với các tivi hiện đang sử dụng, nếu muốn thu teletext thì phải mua hộp giải mã giá 30 USD do VTB sản xuất. 

    Còn đối với tivi mới sản xuất có gắn thêm chip giải mã teletext hiệu VTB thì giá bán cao hơn tivi thông thường 4 USD/cái. Vấn đề ở đây là có bao nhiêu người sẽ sử dụng teletext? Ông Chính khẳng định: “Chúng tôi dự kiến trong 12 triệu tivi đang sử dụng, sẽ có 1 triệu tivi được gắn thêm hộp giải mã”.

    Công nghệ, thiết bị cho teletext tiếng Việt đã sẵn sàng và Đài truyền hình Đồng Nai đang phát thử nghiệm chương trình. Tuy nhiên, theo ông Mai Sông Bé - giám đốc Đài phát thanh và truyền hình Đồng Nai, phải mất một thời gian nữa teletext mới được đài triển khai rộng rãi. Ông giải thích: “Các thông tin như giá chứng khoán, nông sản, vàng, ngoại tệ, lịch bay, lịch tàu... chúng tôi đều chưa có sẵn. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là thành lập một bộ phận chuyên trách thu thập thông tin về các mảng này, nhưng để công việc được trôi chảy, chúng tôi cần sự phối hợp thường xuyên của các đơn vị có liên quan như ngân hàng, trung tâm giao dịch chứng khoán, các hãng hàng không...”.

    Một điều nữa khiến ông Bé băn khoăn là giá một hộp giải mã 30 USD đối với những người dân thành phố có thể chấp nhận được nhưng khá cao đối với nông dân - đối tượng chủ yếu mà Vitek đang nhắm đến. “Tôi nghĩ Vitek đã tạo ra một công nghệ tốt nhưng để nó đi vào cuộc sống, một mình Vitek hay các đài truyền hình không thể làm được. Chúng tôi cần sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cơ quan, đơn vị có liên quan, đặc biệt là sự hỗ trợ của Nhà nước, để mọi người, đặc biệt là nông dân, có thể hưởng lợi từ công nghệ này” - ông Bé nói.

    Sẽ công khai mã nguồn bộ phông chữ 
    Ông Lê Văn Chính khẳng định, tuy DN bỏ ra nhiều công sức và tiền của để tạo ra phông chữ Việt Nam cho Teletext nhưng Vitek sẽ không giữ độc quyền khai thác phông chữ này. Để nhanh chóng phổ biến Teletext, Vitek-VTB sẽ cung cấp rộng rãi chip set giải mã cho các hãng sản xuất ti vi hoặc công khai mã nguồn bộ phông chữ để các DN khác cùng tham gia sản xuất ti vi có chức năng thu Teletext. 

    Qua cuộc tập dượt này, Vitek đã khẳng định cho mình một hướng đi: Tiếp cận công nghệ cao để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm như Teletext. Hiện nay, Vitek đang triển khai tiếp hàng loạt chương trình gia tăng giá trị cho sản phẩm Vitek-VTB. Thí dụ như: tivi đọc được các thẻ nhớ, có tự điển, giao tiếp được với Internet...

  • HanoiNews