• Ngành điện tử Việt Nam lâm vào thế “thập tử nhất sinh”
  • 09:42 10/06/2005
  • Xem hình

    TV bày bán ở các cửa hàng phần lớn là hàng nhập khẩu

    Theo lộ trình hội nhập AFTA, từ năm 2006, thuế suất hàng điện tử nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam chỉ còn 0-5%, tương đương mức thuế nhập khẩu linh kiện hiện nay. Thực tế này sẽ đẩy ngành điện tử Việt Nam đang còn quá non yếu vào thế “thập tử nhất sinh”.

    Lắp ráp đơn giản sẽ không còn lợi nhuận

    Ông Lê Văn Chính, Giám đốc Vitek, phân tích hiện nay trung bình mỗi năm thế giới tiêu thụ 200 triệu ti vi các loại của khoảng 20 hãng sản xuất. Trong khi đó, thị trường Việt Nam chỉ đạt khoảng 1,4 triệu cái, chỉ bằng 0,7% của thế giới nhưng số thương hiệu cũng khoảng 20.

    Trong số tivi tiêu thụ ở nước ta, thương hiệu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10%. Với sản lượng quá thấp như vậy, doanh nghiệp Việt Nam không tài nào có thể đầu tư chiều sâu, sản xuất linh kiện. Còn nếu lắp ráp đơn giản như hiện nay hoặc Nhà nước không hỗ trợ thêm sẽ không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào đầu năm 2006.

    Chính vì vậy, Vitek đang tập trung để tăng tính năng cho các sản phẩm của mình. Cụ thể là Vitek sẽ đưa ra thị trường trong vài tháng tới tivi đọc được thẻ nhớ, có thể hát được karaoke trên tivi mà không cần phải có đầu đĩa.

    Giám đốc một doanh nghiệp điện tử Việt Nam khác cho biết, với sản lượng quá thấp, khi mua linh kiện chúng ta cũng phải chịu mức cao hơn những tập đoàn lớn của nước ngoài. Thí dụ, Sony mỗi khi mua linh kiện họ đều mua với số lượng cung cấp cho tất cả các Sony “con” trên toàn cầu.

    Trong mấy năm qua, Bộ Công nghiệp chưa đưa ra được định hướng hoặc chiến lược mới nào cho ngành điện tử Việt Nam. Trong khi định hướng cũ là sản xuất linh kiện đã không thực hiện được. Tháng 9 năm rồi, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam mới kiến nghị về những bất hợp lý của chính sách thuế hiện hành. Nhưng đến tháng 3/2005, Nhà nước mới ban hành chính sách thuế mới theo hướng kiến nghị của doanh nghiệp. Trong thời gian chờ đợi này nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất.

    Trong mấy năm qua, khi thuế suất nhập khẩu hàng điện tử nguyên chiếc giảm thì cũng là lúc thị phần hàng trong nước giảm theo. Đến nay, thị phần hàng điện tử thương hiệu Việt giảm còn 1/2 so với cách đây vài năm.

    Chuyển sang làm nhà phân phối

    Hiện nay, tivi thế hệ bóng đèn hình đang thoái trào, thay vào đó là tivi màn hình tinh thể lỏng (LCD). Nhiều hãng sản xuất bóng đèn hình đã ngưng hẳn sản xuất các loại bóng đèn hình kích cỡ nhỏ.

    Ông Bùi Thành Châu, Giám đốc Châu Electronics, cho biết mấy ngày qua, chuẩn bị đón thuế nhập khẩu hàng điện tử của Việt Nam giảm, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đến liên hệ để bán ti vi LCD tại thị trường Việt Nam. Giá chào cũng rất rẻ, chỉ khoảng 1.000 USD loại 32”, thấp hơn rất nhiều so với giá bán hiện nay tại Việt Nam.

    Nếu không có gì thay đổi từ chính sách của Nhà nước, Châu Electronics sẽ chuyển sang làm nhà phân phối cho các hãng nước ngoài. Vì lắp ráp như hiện nay sẽ không còn lợi nhuận.

    Lối ra nhỏ hẹp là sản xuất phần mềm?

    Theo dự báo, tivi LCD sẽ phổ biến trong vài năm tới, giá của sản phẩm này cũng đang giảm mạnh. Tuy vậy, qua tìm hiểu, phần lớn doanh nghiệp điện tử Việt Nam đều chưa có bước chuẩn bị nào để đón đầu xu hướng tiêu dùng mới này.

    Ông Lê Văn Chính cho biết, đối với tivi LCD, Việt Nam đừng bao giờ nghĩ mình sẽ sản xuất được linh kiện. Vì vốn đầu tư quá lớn, phải tính bằng tỉ USD, trong khi sản lượng của ta quá thấp. Đối với sản phẩm này, doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn một khe rất hẹp là sản xuất phần mềm nhưng đến giờ chưa có doanh nghiệp trong nước nào xúc tiến công việc này.

    Ông Lê Văn Chính bộc bạch, chúng ta cũng đừng lấy làm xấu hổ khi Việt Nam không có ngành công nghiệp điện tử. Người Nhật không sản xuất máy bay nhưng họ vẫn là nước giàu. Mặc dù Nhật hoàn toàn có thừa tài chính và công nghệ để sản xuất máy bay. 

    Ngay cả các nước ASEAN, công nghiệp của họ khá phát triển nhưng chúng ta cũng đâu thấy sản phẩm điện tử nào của họ ở thị trường Việt Nam. Vấn đề là ta phải tìm ra được những sản phẩm mới, có giá trị cao, lợi nhuận lớn.

  • vneconomic