Chương trình xây dựng luật pháp đáp ứng yêu cầu gia nhập WTO của Việt Nam sắp được hoàn tất. Chỉ còn một luật cuối cùng dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 11 năm nay.
Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam Lương Văn Tự vừa cho biết như trên tại Hội thảo "Việt Nam trong WTO những xu hướng tương lai về các chính sách trợ cấp" tổ chức ngày 4/10/2006 tại Hà Nội.
Ông Tự cho biết, theo yêu cầu gia nhập WTO, Việt Nam cần sửa và ban hành mới khoảng 26 luật. Đến thời điểm này, Việt Nam đã sửa và ban hành mới được 25 luật. Văn bản luật còn lại liên quan đến hoạt động toà án đang được xây dựng để đưa ra Quốc hội thảo luận và thông qua vào kỳ họp tháng 11/2006.
Với tốc độ xây dựng và hoàn thiện các văn bản luật này, Việt Nam là một trong số ít những nước đầu tiên gia nhập WTO không chỉ có chương trình cam kết xây dựng pháp luật mà đã hoàn thành việc sửa đổi và ban hành mới hệ thống pháp luật phù hợp với với thông lệ WTO ngay khi trở thành thành viên WTO - ông Tự nói.
Theo Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp, chương trình làm luật để gia nhập WTO của Việt Nam có 2 phần: Luật phục vụ nghĩa vụ của các nước thành viên WTO là phần bắt buộc gồm các luật như: Luật Cạnh tranh; Luật Thương mại; Luật Đầu tư không phân biệt đầu tư trong hay ngoài nước; Luật Sở hữu trí tuệ, bảo vệ giống cây trồng, vật nuôi... luật về quyền của nước thành viên là phần không bắt buộc gồm: Pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh chống trợ cấp...
Do yêu cầu đàm phán gia nhập WTO, đầu năm 2005 đại diện Chính phủ đã có báo cáo với Thường vụ Quốc hội về yêu cầu xây dựng pháp luật phục vụ gia nhập WTO. Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ có tờ trình chính thức để Quốc hội xem xét điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005 đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 08/2005 về việc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất luợng xây dựng các dự án luật, pháp lệnh trong năm 2005, phục vụ đàm phán WTO. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ được giao phân công soạn thảo phải bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và có chất lượng các dự án luật, pháp lệnh phục vụ gia nhập WTO. Các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành hoặc chính quyền địa phương các cấp ban hành theo thẩm quyền phải bảo đảm thống nhất với các quy định về nghĩa vụ thành viên WTO và các cam kết của Việt Nam với WTO.
Khi soạn thảo tổ chức dịch dự thảo luật, pháp lệnh ra tiếng Anh và chuyển bản dịch cho Văn phòng Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế để gửi cho WTO theo yêu cầu của các đối tác đàm phán. Song song với quá trình soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, các Bộ ngành cũng cần dự thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Được biết, trong những năm gần đây, nhất là năm 2004-2005, Quốc hội Việt Nam đã đẩy nhanh tốc độ xây dựng pháp luật để đáp ứng nhu cầu gia nhập WTO. Năm 2005, Quốc hội đã thông quan 29 văn bản luật. Phiên họp đầu năm 2006 tiếp tục thông quan 11 luật. Dự kiến, phiên họp cuối năm 2006 sẽ thông qua 14 luật nữa. Điều này, bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế còn đáp ứng nhu cầu hoàn thiện pháp luật để tăng cường công tác quản lý kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau khi hàng loạt luật quan trọng như Luật Đầu tư chung, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh... được ban hành, môi trường kinh doanh tại Việt Nam ngày càng được cải thiện và trở nên cạnh tranh. Thực tế, không chờ đến khi gia nhập WTO, mà nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư thừa nhận là đã tạo ra một môi trường bình đẳng, minh bạch hơn giữa các thành phần kinh trên nhiều phương diện... và điều này đã trở thành yếu tố quyết định giúp Việt Nam trở thành một điểm hấp dẫn, thu hút đầu tư.