Các nước vào WTO chậm bao giờ cũng thua thiệt hơn. Trong khi đó, Việt Nam đã có những tụt hậu so với các nước xung quanh, kể cả về mặt hội nhập. Phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Không ai muốn sự chậm trễ này
- Xin bà cho biết ý kiến về phát biểu mới đây của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng chúng ta không nhất thiết phải vào WTO trước hội nghị Thượng đỉnh APEC?
Tôi nghĩ Bộ trưởng Trương Đình Tuyển muốn chuyển một thông điệp đến cho chúng ta hiểu là đàm phán tham gia WTO chưa kết thúc, dù chỉ còn một vài vòng đàm phán cuối cùng, nhưng cũng vẫn có thể có mức độ phức tạp của nó, mà trong thời gian quá ngắn của cuộc đàm phán lần này, có thể chúng ta không hoàn tất được và do đó, chưa thể gia nhập WTO trước hội nghị APEC được.
Trên thực tế, Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy cũng kỳ vọng là VN sẽ gia nhập WTO vào ngày 10/10 tới, nhưng ngày 9/10 chúng ta mới bắt đầu phiên đàm phán tiếp theo. Vì vậy, có thể Bộ trưởng Tuyển lo ngại rằng, trong một ngày, sẽ không kịp hoàn tất mọi việc. Rõ ràng việc không kết thúc được đàm phán lần này là điều không ai mong muốn.
- Nhưng đã từng có nhiều tuyên bố về khả năng VN gia nhập WTO trước Hội nghị Thượng đỉnh APEC?
- Trước đây chúng ta đều kỳ vọng như vậy. Có lẽ vì chúng ta trông đợi rằng sau khi kết thúc đàm phán và ký kết được thoả thuận song phương với Mỹ ngày 31/5/2006, công việc đã cơ bản hoàn tất. Chúng ta nghĩ những vòng đa phương còn lại để ráp lại toàn bộ những cam kết sẽ không quá phức tạp, nhưng trên thực tế, quá trình đó không đơn giản.
Nhưng thực ra vẫn có một tia hy vọng mong manh là có thể chúng ta làm tốt công việc từ nay đến ngày 9/10, về những vấn đề khúc mắc còn lại, mà theo tôi là không nhiều, thì có thể giải toả được với nhau. Trong một ngày làm việc thực sự căng thẳng đó, chúng ta có thể kết thúc được mọi việc. Đó sẽ là điều tuyệt vời.
Chậm một năm, thua thiệt lâu dài
Việc gia nhập WTO chậm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển và hội nhập của Việt Nam?
Nếu gia nhập chậm, sẽ có những vấn đề phức tạp nảy sinh. Thường các nước vào WTO chậm bao giờ cũng bị thua thiệt hơn, bởi độ phức tạp của thương mại thế giới không ngừng tăng lên. Người ta đòi hỏi ở những nước mới vào những cam kết mà những nước vào trước không bị đòi hỏi.
Với nước ta, trong quá trình phát triển, cũng đã có những tụt hậu so với những nước xung quanh, kể cả về mặt hội nhập, tức là chúng ta tham gia rất chậm vào tiến trình phát triển của liên kết kinh tế trong khu vực cũng như toàn cầu, và đồng thời về mặt kinh tế nữa. Không ai trong chúng ta mong muốn lại tiếp tục đứng ngoài cuộc khi cả thế giới đã vào một sân chơi chung là WTO.
- Điều gì sẽ xảy ra nếu một năm nữa VN mới gia nhập WTO?
- Trước hết, nếu gia nhâp WTO chậm, chúng ta sẽ không thể cùng với các thành viên khác đề xuất những vấn đề thuộc về lợi ích của mình, nhất là về xuất khẩu nông sản ở vòng đàm phán Doha. Điều này ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt đối với 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp.
Thứ hai, trong thương mại thế giới, luôn nảy sinh đòi hỏi mới về tự do hoá. Nếu những vòng đàm phán của VN vẫn còn tiếp diễn, không có gì đảm bảo rằng người ta không tăng thêm sức ép đòi VN phải đàm phán thêm những lĩnh vực này, lĩnh vực khác. Không phải là thành viên WTO, bao giờ VN cũng ở thế thua thiệt so với các nước thành viên.
Vào WTO sớm cũng quan trọng ở chỗ nó sẽ mở đường cho chúng ta hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ kinh tế, kể cả những mối quan hệ đã thiết lập được. Hiện VN đang đàm phán hiệp định tự do thương mại song phương với Nhật bản, Hàn quốc, EU nhưng tất cả những đối tác này đều đang trông chờ vào việc VN gia nhập WTO để có thể nâng mức quan hệ với VN lên.
Tôi nghĩ tham gia WTO là bước đầu để chúng ta tiếp tục sắp xếp lại một cách tổng thể và với một tầm chiến lược mới bản đồ kinh tế VN trong bản đồ kinh tế toàn cầu. Về lâu dài, VN sẽ coi những ai là đối tác chiến lược trong phát triển và hợp tác kinh tế. Tất nhiên hợp tác luôn đi đôi với cạnh tranh, nhưng hợp tác kinh tế để tạo thế lâu dài cho sự phát triển đất nước.
Có biết bao những dàn xếp thương mại theo kiểu khu vực: Asean, Asean+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), Asean+6 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Ấn độ). 16 nước này đang bàn với nhau về tương lai hợp tác Đông Á với 2,8 tỷ dân. Nếu chúng ta không phải là thành viên của WTO thì sẽ không áp dụng được nhiều quy định, cũng như luật chơi chung giữa họ. Đó chính là những điều thua thiệt lâu dài cho VN, một đất nước đứng thứ 13 trên thế giới về dân số. Chúng ta cần có vị thế để đi cùng với nhân loại trên con đường phát triển về thương mại.
Mất với số đang hưởng độc quyền, được với đa số
- Có ý kiến lo ngại rằng gia nhập WTO đồng nghĩa với mở cửa và khi mở cửa, chúng ta sẽ mất dần vị thế và thậm chí cả chủ quyền kinh tế. Theo bà, lo ngại này có cơ sở hay không?
Chúng ta phải chấp nhận mở cửa dần thị trường. Muốn thâm nhập vào thị trường các nước thì tất yếu cũng phải mở cửa thị trường của mình cho DN nước ngoài khác vào nước ta làm ăn. Mất một phần nào đó thị trường VN là quy luật tự nhiên. Nhưng phải xem được-mất ở chỗ nào. Cái mất thường chỉ là với một số nhất định đang được hưởng độc quyền hoặc bảo hộ, còn đa số sẽ được hưởng lợi.
Nói về chủ quyền, nếu cứ coi việc cho người nước ngoài vào làm ăn ở nước mình là mất chủ quyền hoặc có những vấn đề kinh tế mình không tự quyết định được hoàn toàn, phải tham khảo nước khác là mất chủ quyền, thì có thể nói tất cả các nước hiện nay làm ăn với nhau đều mất chủ quyền cả.
Các thành viên WTO đều phải chấp nhận luật chơi chung. Nếu những thay đổi luật của mình trái với WTO và phương hại đến các nước khác thì mình phải tham vấn người ta. Nếu mình cứ làm thì sẽ bị trừng phạt. Ngày nay, không thể có nước nào biệt lập về KT, một mình một chợ, muốn làm gì cũng được. Thời của Robinson một mình trên hòn đảo đã qua rồi.
Đừng tiếp tục níu kéo sự bảo hộ của Nhà nước
- VN đã trải qua hơn 10 năm đàm phán để gia nhập WTO, bà thấy doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân của VN chuẩn bị như thế nào cho thời kỳ hậu WTO?
Tôi thực sự vui mừng khi thấy trong vài năm gần đây, các DN VN đều có ý thức càng ngày càng cao về việc phải nỗ lực cải cách để chuẩn bị cho việc VN tham gia WTO.
Ở khu vực tư nhân, điều đó rất rõ, bởi họ vốn sống chủ yếu trên đôi chân của họ, dựa được rất ít vào sự bao cấp hoặc bảo hộ của nhà nước.
Với DN nhà nước, tôi cảm nhận được rằng nhiều DN đã có sự chuẩn bị để sẵn sàng cạnh tranh khi chúng ta tham gia WTO. Điển hình là ngành dệt may. Sau khi chúng ta bãi bỏ nghị định về chiến lược tăng tốc ngành này, các doanh nghiệp đã tự mình tìm con đường khác để phát triển. Một công ty Mỹ hiện đầu tư cho nhà máy dệt Phong Phú ở Đà Nẵng với khoản vốn 60 triệu đôla. Điều đó chứng tỏ các DN NN hoàn toàn đủ khả năng năng động để phát triển mà không có sự bảo hộ của NN.
- Như vậy có thể nói khi gia nhập WTO cũng như cạnh tranh quốc tế, những DN nào tự phát triển được bằng năng lực cạnh tranh của chính mình, có tinh thần tự chủ cao, thì sẽ có cơ đứng vững và thành công cao hơn những DN chỉ muốn dựa vào sự bảo hộ hay bao cấp của NN?
- Đúng. Có nhiều bằng chứng cho điều này. Vừa rồi, Tổng Kiểm toán Nhà nước đưa ra báo cáo cho thấy tỉ suất lợi nhuận của 1 số DN NN- kể cả quy mô lớn- khá thấp. Chẳng hạn ngành đóng tàu chỉ có 0,42%/năm. Con số lỗ luỹ kế trong mấy năm là hàng nghìn tỷ đồng.
Cảnh báo quan trọng này không gọi là kịp thời được nữa. Giá mà đưa ra được sớm hơn nữa thì tốt hơn, để các DN đó thực sự nhìn nhận lại mình. Nhà nước cũng phải nhìn nhận lại nghiêm túc các DN đó và có quyết tâm cao hơn trong việc thúc đẩy các DN đó nỗ lực để tự đứng vững chứ đừng tiếp tục níu kéo sự bảo hộ hay bao cấp.