Trung Quốc đã mất 14 năm đàm phán mới chính thức trở thành hội viên của WTO, Việt Nam cũng mất gần một... con giáp để được ghi tên vào danh sách "vàng". Liệu đây có phải là một bài toán quá khó cho nền kinh tế Việt Nam?
Cái giá của tấm thẻ WTO
Kết thúc phiên đàm phán căng thẳng nhất trong 12 lần đàm phán về WTO với Mỹ, Việt Nam đã tiến rất gần đến việc sở hữu tấm thẻ này. Đó là sự nỗ lực rất lớn của chúng ta để đi đến một thoả thuận tương đối công bằng.
Tuy nhiên những đòi hỏi của đối tác đưa ra khó có thể đáp ứng với tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn, giảm thuế nhập khẩu xuống 10%, nhanh chóng mở cửa hội nhập các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của Nhà nước như: viễn thông, ngân hàng, dịch vụ hàng hóa, công nghệ thông tin... Đó là một thực tế trong mối quan hệ giữa người muốn gia nhập và người cho phép gia nhập vào bất kỳ một tổ chức nào.
Trên bàn đàm phán, ai cũng muốn tìm những thỏa thuận có lợi nhất cho mình. Tuy nhiên, có những điều kiện bất lợi mà vẫn không thể không chấp nhận. Có thể lấy ví dụ ngay ở thành viên vừa gia nhập vào Hội nghị Bộ trưởng WTO vừa qua - Arab Saudia.
Arab Saudia đã phải chấp nhận những nhượng bộ: sau 3 năm kể từ khi gia nhập, nước này phải cho phía nước ngoài sở hữu 70% vốn trong các liên doanh ở viễn thông cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng. Ngoài ra, trong lĩnh vực Ngân hàng, Arab Saudia phải đồng ý cho họ tăng sở hữu vốn lên tới 60% trong các liên doanh ngay từ thời điểm chính thức trở thành hội viên WTO.
Một điểm chung trong các nhượng bộ của các thành viên gia nhập WTO từ năm 1995 là đều phải cam kết chấp nhận mức thuế suất trung bình là 10%. Thậm chí, Trung Quốc và một số nước phải chấp nhận mức thuế suất bằng 0% ở nhiều mặt hàng công nghiệp và nông nghiệp.
Vì sao phải "hy sinh"?
Những điều kiện để gia nhập WTO quả là quá cao, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cấp cao của Việt Nam đều nhận định rằng, trở thành hội viên vẫn hơn. Vì sao?
WTO, tổ chức thương mại thế giới hoạt động dựa trên mục tiêu chính là nâng cao mức sống của nhân dân các nước thành viên, đảm bảo việc thúc đấy tăng trưởng kinh tế, thương mại và sử dụng hiệu quả nhất nguồn nhân lực của thế giới. Chính vì thế, gia nhập WTO, các nước thành viên sẽ có động lực để thúc đấy nên kinh tế của mình phát triển nhanh và hiệu quả nhất.
Điều đầu tiên mà bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng nhìn thấy khi gia nhập WTO là Việt Nam sẽ tiếp cận được với thị trường toàn cầu trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, không bị rào cản của thuế quan và phi thuế quan, điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn.
WTO là diễn đàn thương mại mà ở đó mọi thành viên đều có quyền bảo vệ mình khi xảy ra tranh chấp. Những văn bản luật đã được đưa vào thế giới thương mại, một thế giới mà trước đây những nước yếu không đủ sức kháng cự những nước mạnh. Trở thành hội viên của WTO có nghĩa là các nước còn yếu như Việt Nam có quyền khiếu nại và thương lượng một cách công bằng hơn với các cường quốc trong tranh chấp dựa trên những điều luật chung đó.
Việt Nam không thiếu các nhà kinh doanh giỏi, giàu ý tưởng. Thế nhưng, sự hạn hẹp về nguồn vốn là yếu tố hàng đầu kìm hãm sự phát triển. Gia nhập WTO là mở đường cho các nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam. Khoa học, kỹ thuật, công nghệ và cả nguồn nhân lực đều có cơ hội giao lưu tham gia vào sự phân công lao động toàn cầu.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã nhận định: "WTO đã mở ra cơ hội một cách toàn diện về thị trường hàng hóa, thị trường dịch vụ, thị trường vốn và thị trường lao động".
Những thách thức
Đồng hành với những cơ hội luôn là thách thức. Cơ hội càng tốt bao nhiêu thì thách thức càng cam go bấy nhiêu. Sẽ là sai lầm và nguy hiểm nếu chúng ta cho rằng, hậu WTO sẽ chỉ tốt mà thôi. WTO là sân chơi chung cho thị trường toàn cầu nên doanh nghiệp buộc phải tuân theo những luật chơi, mà ở đó người thắng cuộc là những doanh nghiệp mạnh và hoạt động có hiệu quả hơn.
Làm thế nào để không bị sát nhập hoặc phá sản? đó là câu hỏi mà các doanh nghiệp cần đặt ra cho mình. Các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị những chiến lược đối ứng thật kỹ để đối mặt với môi trường cạnh tranh gay gắt và sự đào thải vô cùng khắc nghiệt này. Sự cạnh tranh đó là một thực tế.
Gia nhập WTO ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn có mới quan hệ gắn kết với các doanh nghiệp lớn, vậy khi các doanh nghiệp lớn tham gia WTO thì không có lý do gì họ lại đứng ngoài cuộc.
Mặc dù các doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm trên thương trường, đặc biệt là với các đối tác nước ngoài nhưng cũng không thể lường trước nguy cơ bị lấn lướt bởi các đối thủ có thâm niên hoạt động theo cơ chế thị trường và có nguồn tài chính hùng hậu.
Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu về nguồn vốn, nhân lực, kỹ năng tiếp cận thông tin, kỹ năng kinh doanh trong môi trường toàn cầu thì càng phải cố gắng nhiều hơn.
Tham gia WTO là mở cửa thị trường. Không chỉ những doanh nghiệp kinh doanh các ngành hàng xuất nhập khẩu phải chịu sức ép của hàng hóa nước ngoài mà hàng hóa trong nước cũng sẽ chịu sự cạnh tranh không kém của các mặt hàng ấy. Nếu công tác chuẩn bị không tốt, không loại trừ khả năng một số ngành kinh tế sẽ bị chết yểu trước sức tấn công của hàng hóa ngoại nhập.
Theo nhận định của các chuyên gia, khi gia nhập WTO các ngành hàng gặp nhiều khó khăn nhất là dịch vụ, nông nghiệp, thép, ôtô... Riêng về dệt may, chúng ta không phải chịu hạn ngạch. Nhà nước phải công bố điều kiện cạnh tranh cho các doanh nghiệp ở các ngành này thật sớm, để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị khi thị trường chính thức mở cửa.