• VEIC tiến tới mô hình mẹ- con đầu tiên
  • 09:35 02/08/2005
  • Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt Nam (VEIC) cho biết sẽ hoàn thành việc cổ phần hoá (CPH) từ nay đến cuối năm 2005 và trở thành tổng công ty đầu tiên thực hiện xong việc CPH theo yêu cầu của Chính phủ.

    Theo ông Bùi Quang Độ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VEIC, trong tháng 7 này sẽ hoàn thành nốt việc xác định giá trị doanh nghiệp cho 6 công ty thành viên còn lại và đến hết tháng 9 là đánh giá xong giá trị của Tổng công ty, sau đó sẽ trình Bộ Công nghiệp duyệt phương án CPH. " Dự kiến vào cuối năm nay hoặc cùng lắm là đầu năm 2006, chúng tôi sẽ chuyển thành công ty cổ phần với 51% vốn góp của Nhà nước và bắt đầu phát hành trái phiếu để huy động vốn từ bên ngoài", ông Độ cho biết.

    Với 14 doanh nghiệp thành viên, trong đó có 5 liên doanh với nước ngoài và giá trị ước tính chưa kể giá trị thương hiệu là khoảng 400 tỷ đồng, VEIC là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực điện tử và tin học của Việt Nam. Tuy nhiên, " con chim đầu đàn" này cũng không tránh khỏi những cơn bão và khó khăn thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế, sức ép từ AFTA và sắp tới là WTO. Việc giảm thuế nhập khẩu cho hàng điện tử nguyên chiếc nhập từ các nước ASEAN xuống 0-5% là một yếu tố được coi như sẽ " đánh sập" ngành sản xuất điện tử trong nước vốn phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu linh kiện từ bên ngoài. " Với mức nhập thuế nhập khẩu linh kiện từ các nước ASEAN là 0-5% và các nước ngoài ASEAN là 8-20%, thì hàng điện tử sản xuất trong nước sẽ không thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập ngay trên sân nhà", ông Độ nói. 

    Năm ngoái, Việt Nam đã ghi điểm bằng cách xuất khẩu hơn 1 tỷ USD kim ngạch hàng điện tử. Thế nhưng trên thực tế, hầu như tất cả kim ngạch nói trên đều là phần đóng góp từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà chỉ tính riêng Canon và Fujitsu đã chiếm hơn 800 triệu USD. VEIC chỉ xuẩt khẩu được lượng hàng với kim ngạch rất khiêm tốn là 20 triệu USD nhờ gia công các cụm linh kiện nhỏ và không ghi nhận được bất cứ trường hợp xuất khẩu nào liên quan tới các hàng điện tử gia dụng. 

    Chính vì vậy, VEIC hy vọng việc chuyển đổi thành công ty cổ phần sẽ giúp họ có được cơ chế để huy động thêm vốn đầu tư từ bên ngoài cho các mục tiêu kinh doanh thực tế hơn. VEIC dự kiến sẽ tăng được gấp đôi phần vốn hiện nay sau khi CPH và sẽ đầu tư cho các cơ sở hạ tầng nhằm phát triển việc sản xuất các hàng điện tử chuyên dụng thay cho điện tử gia dụng và phát triển mạnh mẽ hơn các công nghiệp phần mềm. " Chúng tôi đã bắt đầu sản xuất các thiết bị chuyên dụng cho ngành y tế, thực hiện các đơn hàng " may đo" làm trên mã nguồn mở Linux cho một số ngành công nghiệp của Việt Nam như hàng không, hàng hải…", ông Độ cho biết. 

    Theo kế hoạch, sau khi CPH, VEIC sẽ được vận hành theo mô hình công ty mẹ- con , trong đó công ty mẹ đảm nhiệm các chức năng về đầu tư tài chính, nghiên cứu - phát triển và tìm kiếm thị trường, đào tạo nguồn nhân lực. Theo ông Bùi Quang Độ, sẽ có ba loại hình công ty con, bao gồm các công ty liên kết là công ty mà TCT có phần đóng góp ít hơn 50%, các công ty chi phối là công ty mà TCT sẽ chiếm hơn 50% vốn đóng góp và công ty hợp tác là các công ty từ bên ngoài vào liên kết, liên doanh. VEIC cũng dự tính sẽ tham gia thị trường chứng khoán sau khi CPH thành công.

  • BSC