|
Akio Morita cái đầu sáng giá nhất kỷ nguyên
|
Thành công chính của Akio Morita cũng như đế chế SONY của ông không chỉ thể hiện ở mặt công nghệ, mà còn về những chiến lược marketing. Morita không chỉ đơn giản nghĩ ra những thiết bị mới mà còn biến chúng thành những mẫu thời trang sành điệu nhất.
500 đô la và căn phòng nhỏ tại cửa hàng bách hóa
Morita từng tốt nghiệp khoa tự nhiên của Trường Đại học Tổng hợp Osaka và đã phục vụ 4 năm trong Hải quân Nhật, là con trai cả trong một gia đình danh giá tại Nhật.
Akio Morita
Người có ảnh hưởng lớn nhất đối với Morita là Masaru Ibuka, một kỹ sư điện 38 tuổi cùng phục vụ trong hải quân. Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, cả hai cùng mơ ước thành lập một công ty điện tử riêng. Cuối cùng, sau khi gom góp hết tiền bạc được gần 500 USD, Morita và Ibuka đã cho thành lập một công ty mới mang tên “Tokyo Tsushin Kogyo” vào ngày 7-5-1946.
Lịch sử tập đoàn lớn nhất hiện nay của Nhật Bản đã được bắt đầu ở căn phòng nhỏ hẹp nằm trong một cửa hàng bách hóa tổng hợp đã bị phá hủy gần một nửa tại Tokyo. Xung quanh họ ban đầu cũng chỉ có 7 người có cùng mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ trình độ khoa học kỹ thuật của Nhật Bản sau chiến tranh.
Hoạt động kinh doanh của công ty bắt đầu từ việc sửa chữa và cải tạo lại các radio. Tuy nhiên, Ibuka (chịu trách nhiệm lãnh đạo chính về kỹ thuật) đã đặt ra mục tiêu là phải chế tạo ra những hàng hóa tiêu dùng hoàn toàn mới.
Sản phẩm đầu tiên của Morita mà chưa một hãng nào sản xuất là chiếc nồi nấu cơm bằng điện – một chiếc chậu nhỏ bằng gỗ, dưới đáy có gắn các điện cực bằng nhôm. Cấu tạo của nó đơn giản đến nỗi cơm hoặc là quá nát hoặc là nửa sống nửa chín. Chính vì vậy mà món hàng này đã không có được mấy người mua. Món hàng tiếp theo được tung ra là một loại túi chườm bằng điện. Các thành viên đầu tiên của công ty đã phải nhờ các bà vợ khâu dây dẫn điện vào lớp vải bọc của sản phẩm. Nhưng các túi chườm kiểu này cũng không bán chạy.
Sản phẩm thành công đầu tiên của công ty được chế tạo vào năm 1950 là một chiếc máy ghi âm bằng băng từ nặng tới 35 ký. Để chế tạo được vật liệu này, các kỹ sư đã dùng một cái chảo để đun nóng một nguyên liệu nào đó, dùng muỗng gỗ quấy lên tới khi đậm đặc và quét chúng lên các dải sợi nylon. Loạt máy ghi âm đầu tiên này được xuất xưởng tổng cộng 50 chiếc.
Ban đầu, người Nhật xem món đồ chơi mới này như là trò giải trí, và không ai muốn bỏ ra tới 170 ngàn yên để có nó (số tiền này tương đương với 472 USD theo thời giá bấy giờ, trong khi mức lương trung bình của Nhật còn thấp hơn tới 18 lần). Đó chính là lý do nảy sinh nhu cầu về việc tiếp thị (marketing). Morita tập trung mọi nỗ lực để tìm kiếm người tiêu dùng. Tuy không có tiền quảng cáo nhưng Morita đã có quyết tâm của một cựu binh và khả năng của một chiến lược gia. Ông đã nghĩ cách chia thị trường ra làm nhiều bộ phận và nghiên cứu nhu cầu của từng đối tượng.
Kết quả là sản phẩm cồng kềnh và đắt tiền đó đã tìm được chỗ đứng trong trường học của Nhật Bản, đầu tiên là các lớp dạy tiếng Anh. Một thị trường quan trọng của nó là các tòa án, nơi có rất nhiều công việc, trong khi các chuyên gia tốc ký lại quá hiếm hoi. Loại máy ghi âm này đã được thị trường chấp nhận, nhưng đó mới chỉ là một thiết bị được lắp đặt cố định. Trong khi khả năng gọn nhẹ và dễ mang vác lại là điều người Nhật rất chú trọng. Mục tiêu tiếp theo của Akio Morita là một loại máy thu thanh nhỏ gọn đủ để bỏ được trong túi. Vấn đề này đã được giải quyết nhờ sự xuất hiện của các transistor.
Hai năm trước khi xuất hiện chiếc máy ghi âm của Ibuki và Morita, một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã phát minh ra loại linh kiện điện tử gọn nhẹ này – một tiền đề giúp cho việc thu nhỏ đáng kể kích thước của các thiết bị điện tử. Thế là đến năm 1957, chiếc máy thu thanh dùng transistor bỏ túi đầu tiên được công ty giới thiệu. Nhưng ngay từ năm 1953, chiến lược gia Morita đã đặt ra nhiệm vụ là phải đưa “Tokyo Tsushin Kogyo” xâm nhập vào thị trường thế giới.
Thương hiệu nổi tiếng “SONY” ra đời
Cái tên dài dòng và khó phát âm ban đầu của công ty đã trở thành cản ngại cho việc tạo dựng thương hiệu quen thuộc trong lòng công chúng. Morita quyết định tìm kiếm một cái tên mới. Công việc này hóa ra lại khó khăn và phức tạp chẳng kém.
Nhãn hiệu SONY giờ đã trở thành một biểu tượng của chất lượng trên toàn thế giới
Ban đầu, họ định sử dụng chữ cái “sonic” nghĩa là “âm thanh” vì nó liên quan nhiều đến sản phẩm của công ty. Từ đây ra đời cái tên thứ hai là “Sonny-boys” – ý nói đến những chàng thanh niên thông minh. Nhưng xét từ cách viết của tiếng Nhật, từ “Sonny” có thể được phát âm như “son-ni”, cũng có nghĩa là “đánh mất tiền”. Thế là mọi người đã quyết định đưa ra cái tên chỉ gồm một chữ cái đã trở thành nổi tiếng cho đến tận ngày nay – SONY.
Tuy trong bất kỳ một ngôn ngữ nào trên thế giới, từ Sony không có ý nghĩa gì, nhưng có lẽ đó cũng chính là ưu thế của thương hiệu này. Tháng 6-1957, bảng quảng cáo đầu tiên có tên “SONY” đã được dựng lên. Nhãn hiệu SONY về sau đã được đăng ký tại tất cả 170 quốc gia trên thế giới. Chính những chiếc máy thu thanh bán dẫn đầu tiên đã xuất hiện trên thị trường thế giới dưới cái tên này.
Ngay từ năm 1960, công ty đã cho thành lập một hãng con mang tên “Sony Corporation of America”, nơi không chỉ sản xuất máy thu thanh bán dẫn mà còn là nơi chế tạo chiếc máy thu hình xách tay đầu tiên, chiếc máy ghi hình xách tay đầu tiên, loại máy nghe băng hiện đại có tai nghe (là đặc trưng của lớp thanh niên thời hiện đại) và cả những chiếc đĩa compact đầu tiên (cùng với hãng Phillips của Hà Lan).
Những kỹ năng quản lý
Những nét chính về Tập đoàn SONY
Đầu những năm 1990, doanh thu của SONY là 8 tỉ USD. Đến năm 1996 là 46 tỉ USD và năm 2002 là 56 tỉ USD. Hiện nay SONY Corporation đang có gần 50 ngàn nhân viên với 30 chi nhánh sản xuất chủ yếu hoạt động tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Sau khi đạt được tới doanh số hàng tỉ USD, Morita đã quyết định tập trung vào những khoản đầu tư và chiếm lĩnh thị trường mới. Năm 1988, SONY đã mua lại CBS Records với giá 2 tỉ USD, và tiếp sau đó là niềm tự hào của công nghiệp điện ảnh Mỹ – “Columbia Pictures” – với giá 3,4 tỉ USD. SONY và những nhân vật sáng lập ra nó đã đi vào lịch sử với tư cách các “tư tưởng gia” cho nền kinh tế mới của Nhật.
Bộ đồng phục của nhân viên SONY do Akio Morita đưa ra với mục đích thể hiện sự bình đẳng của tất cả các thành viên công ty – từ nhân viên nhỏ nhất cho đến người đứng đầu tập đoàn. Thậm chí tiền lương của các lãnh đạo cao cấp nhất cũng được quy định không cao quá 7 lần so với nhân viên cấp thấp nhất.
Tài năng của Akio là biết cách đánh thức những khả năng sáng tạo của từng nhân viên, và đó cũng là một phần bí quyết giúp SONY thăng tiến nhanh chóng – chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành nhà sản xuất sản phẩm công nghệ cao lớn nhất. Trường hợp điển hình là nhân viên Leo Aishaki của SONY do phát minh ra loại diode ngầm đã được nhận giải thưởng Nobel, một vinh dự mà ngay cả các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hiếm khi nhận được.
Ngay từ khi SONY bắt đầu đi vào hoạt động, Morita cũng bước vào cuộc sống hết sức sôi động – ông được coi là một chuyên gia nghiên cứu cũng như một nhân vật có cá tính phiêu lưu mỗi khi Sony đưa ra thị trường một loại sản phẩm mới.
Morita rất ham mê thể thao. Tuy nhiên, Morita đã gặp một trường hợp không may trên sân quần vợt, khi bị một quả banh đập trúng thái dương. Ngay sau đó, một cơn đột quỵ đã khiến Morita không còn khả năng điều hành SONY. Dù từ bỏ công việc, Morita vẫn là chủ tịch danh dự của tập đoàn này. Ông qua đời vào ngày 3-10-1999 ở tuổi 78.