Sau hơn một năm chính thức tham gia lộ trình cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo Hiệp định CEPT/AFTA (từ 1/7/2003), trên thị trường Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều chủng loại hàng hóa đến từ các nước ASEAN với mức giá ngày một rẻ.
Hầu hết các hãng thực phẩm lớn của châu Âu, Nhật, Mỹ có nhà máy ở các nước ASEAN như Meiji, Abbot, Netsle khi xuất hàng sang Việt Nam cũng tập trung đưa hàng từ những nhà máy của mình tại các nước ASEAN để khai thác các lợi thế về thuế xuất nhập khẩu.
Không chỉ các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo mà các mặt hàng điện tử, điện gia dụng, vỏ ruột xe, mỹ phẩm, quần áo có xuất xứ từ các nước ASEAN cũng đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều và hiện vẫn tiếp tục gia tăng.
Đây là nỗi lo đối với doanh nghiệp Việt Nam bởi một trong những ưu thế mà hàng Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng các nước ASEAN là giá cả thì nay ưu thế này đang thay đổi.
Các mặt hàng điện tử như máy quay phim, máy ảnh kỹ thuật số, máy giặt, máy lạnh có nguồn gốc từ ASEAN bán tại các trung tâm, siêu thị điện máy lớn giá đã giảm từ 7-10% so với cùng kỳ năm 2003. Các loại kem dưỡng da, phấn trang điểm, sữa tắm, dầu gội đầu cũng được bán với giá khá rẻ, giảm đến 20% so với trước hoặc có giá ngang bằng với các sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước.
Để cạnh tranh được với hàng hóa của các nước ASEAN, theo ông Nguyễn Hồng Kỳ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện tử Việt Nam, bên cạnh việc đầu tư máy móc, công nghệ cao, các doanh nghiệp cần phải tăng cường đầu tư quảng bá thương hiệu, đồng thời xây dựng hệ thống bán hàng, hệ thống dịch vụ bảo hành, hậu mãi thật mạnh và rộng khắp trong cả nước.
Ông Lê Văn Trí, Phó Giám đốc Công ty Casumina thì cho rằng, nếu một doanh nghiệp mạnh, có chiến lược phát triển cụ thể và biết tập trung đầu tư cho uy tín thương hiệu thì hoàn toàn có thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập khi hàng rào thuế quan trong khu vực bị gỡ bỏ. Hiện Casumina đang tập trung cho việc phát triển thị trường nội địa thông qua hệ thống đại lý bán hàng rộng khắp trên cả nước.
Ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ nhiệm Văn phòng Khiếu nại người tiêu dùng phía Nam, cho biết các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng từ các nước ASEAN xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều, nhưng khi mua sắm và sử dụng các loại sản phẩm này, người tiêu dùng thường rất ngại về khâu bảo hành.
"Đây chính là bất lợi lớn nhất của hàng ngoại nhập, nhưng lại là lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh thị phần", ông Vinh khẳng định.