• Quyết toán tài chính đề án 112: "Người trong cuộc" nói gì?
  • 09:35 20/09/2006
  • Quyết toán tài chính đề án 112: "Người trong cuộc" nói gì?

    [VEIC: 20/09/2006]

    Ban điều hành Đề án "Tin học hóa cải cách hành chính nhà nước" (Đề án 112) đã nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết và quyết toán tài chính qua giai đoạn 1 (2000- 2005). Từ lâu khi nhắc đến Đề án 112 thì kèm theo đó là những dư luận tiêu cực và sự hoài nghi về tương lai "mờ mịt" và sự lãng phí, thiếu hiệu quả của nó.

    VietNamNet đã phỏng vấn ông Lương Cao Sơn, Thư ký Ban điều hành Đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (thuộc Văn phòng Chính phủ) để đặt ra những câu hỏi về tình hình triển khai Đề án đang chi dùng tiền tỷ của Nhà nước. Sau đây là nội dung phỏng vấn:

    PV:Sau 5 năm triển khai, Đề án 112 có tạo nên sự khác biệt nào so với Chương trình Quốc gia về CNTT triển khai từ năm 1996 và đã "chết yểu" vào năm 1998?

    Ông Lương Cao Sơn: Trong 2 năm đầu Ban điều hành trong quá trình chuẩn bị triển khai cật lực. Đến 4/2003 mới ra được quy trình phát triển phần mềm quản lý hành chính nhà nước, thiết kế trung tâm tích hợp dữ liệu, quản lý thông tin, chuẩn hóa hệ thống...

    Sau 4 năm thực hiện thì kết quả đầu tiên khác biệt hẳn các chương trình khác ở điểm nào? Chương trình 112 đã xây dựng mạng lưới thống nhất chung đến cấp huyện, hệ thống thư điện tử có liên kết với nhau. Khoảng gần 10 000 account đi qua trung tâm tích hợp dữ liệu mà mọi người cứ chê là trung tâm tích hợp dữ liệu không biết để làm gì. Nếu trung tâm chết thì nhiều hệ thống thư chết. Đấy là sự khác biệt.

    Một loạt các chuẩn hóa ra đời mà nhiều ngành, bộ đã áp dụng. Đáng lẽ chuẩn hóa này phải do một cơ quan nhà nước về ứng dụng CNTT thực hiện nhưng do vẫn chưa ban hành nên họ lấy chuẩn của đề án 112 để áp dụng. Ví dụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi cần lấy chuẩn đã dựa vào quy trình của 112 để phê duyệt.

    Một loạt phần mềm dùng chung thống nhất trong toàn quốc sau khi hệ thống thông tin thống nhất. Có những tỉnh triển khai rất tốt như Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế... TP. HCM cũng có ý kiến là phần mềm không tốt cách đây 6, 7 tháng, nhưng vừa rồi thì Chủ tịch ra lệnh áp dụng đúng phần mềm của 112, ra chỉ thị 25 về đẩy mạnh triển khai Đề án 112 trên địa bàn toàn thành phố bắt buộc yêu cầu sử dụng phần mềm do Ban Điều hành cung cấp. Dĩ nhiên khi phần mềm triển khai xuống thì có tác động đến cơ quan hành chính, cho rằng dùng phần mềm chưa quen, không muốn sử dụng, phần mềm này khó... Nhưng khi áp dụng thì quen dần dần.

    Chương trình cũng có ý nghĩa trong việc đào tạo cán bộ công chức. Một bộ giáo trình được triển khai trên toàn quốc. Giáo viên được chuẩn hóa, có chứng chỉ. 

    Còn những "hạn chế, thiếu sót, lệch lạc" của giai đoạn này thì thế nào, thưa ông?

    - Hạn chế đầu tiên là chúng ta, cán bộ công chức chưa nhận thức được ứng dụng CNTT sẽ mang lại bản chất thay đổi chất lượng công việc hành chính. Họ vấn muốn làm theo hình thức cũ, ngại sử dụng công nghệ mới. Có thể đâu đó sợ mất việc, sợ không độc quyền được thông tin và có nhiểu cản trở, khó khăn khi triển khai dự án về mặt quy trình, quy phạm, thủ tục hành chính, luật lệ...

    Thứ hai là quan niệm về tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, nói rộng hơn là hành chính điện tử, thông tin là mục tiêu hay CNTT là mục tiêu. 

    Vậy so với mục tiêu ban đầu thì liệu có thể đánh giá được về thành công hay thất bại của Đề án?

    - Đúng là mục tiêu ban đầu đặt ra rất tham vọng, đến cuối 2005 phải đưa hệ thống thông tin của Đảng, Chính phủ hoạt động, rồi tiến tới các mục tiêu con. Nhưng đây không phải do 112 đặt ra. Mục tiêu như thế, nhưng điều kiện có được như vậy thì liệu có thể đạt được hay không. Có đủ tiền để làm cũng là một vấn đề. Tiền mới được 20-30 % so với sự kiến đầu tư ban đầu, thời gian thì chưa đầy đủ.

    Còn những gì chưa hiệu quả, thất thoát lãng phí thì sao, thưa ông?

    - Có ý kiến triển khai như thế là không thành công, suy ra là lãng phí. Không thể nóng vội đánh giá kết quả sau 5 năm là thành công hay không. Vì đây đâu phải xây dựng cái cầu. Cầu xây xong khánh thành, có thể chạy được. Cái này còn phụ thuộc vào yếu tố con người, nó luôn là quá trình. Thực tế chương trình mới thực hiện được 3 năm, tiền không đủ, chưa phủ hết. Hạ tầng thiếu, mạng để truyền tốc độ cao giữa các cơ quan hành chính với nhau còn chưa xong. 

    Khi hệ thống thông tin chưa làm xong, còn đang ở mức độ đảm bảo cho nó chưa đủ, khiêm tốn thì cũng không thể đòi hỏi nó tốt được cả. Đánh giá trong vòng 3 năm để thực hiện chương trình to lớn và mới mẻ như vậy, cần nhìn vào những cái nhìn tốt của nó để phát huy. Những gì chưa tốt, còn đang lệch lạc, chậm chạp sẽ được tiếp tục làm. Đây là quá trình liên tục nhiều năm, 10 năm, 20 năm, chứ không phải là vài năm đã có thể đánh giá được chính xác tốt hay chưa.

    Nếu gọi là thất thoát lãng phí thì không biết nói thế nào. Tất cả đầu tư của 112 mà tiền đầu tư nhiều nhất, chiếm khoảng 80% là vốn xây dựng cơ bản bao giờ cũng tuân thủ quy chế quản lý cơ bản. Mua một cái máy, mua hệ thống thiết bị này thì có sở tài chính thẩm định về giá, về kế hoạch đấu thầu, kế hoạch đầu tư, các tỉnh phải tuân thủ cái đó...

    Có ý nữa là xây dựng xong nhưng không làm gì, để im, đắp chiếu thì qua khảo sát, các trung tâm hệ thống dữ liệu đều hoạt động tốt, đều có hệ thống thư điện tử, nếu bị trục trặc 5 phút là sẽ có khiếu nại ngay. Ví dụ với chương trình thư điện tử là đơn giản nhất. Như TP. HCM, hơn 5500 thư điện tử, chỉ dừng một vài phút là cả hệ thống bị ảnh hưởng.

    Vậy có người nói Đề án 112 là công cụ tiêu tốn tiền Nhà nước là hoàn toàn sai lầm?

    - Đấy là ý kiến phiến diện, họ chưa hiểu vấn đề. Nếu bây giờ nếu không có 112 thì thử hình dung sẽ như thế nào? Hình dung trở lại năm 2000, các nơi vẫn có mua máy, vẫn làm phần mềm, nhưng những phần mềm đó mang tính địa phương, không liên quan đến nhau, không nối mạng với nhau, trở thành chiếc máy công cụ bình thường của công chức, không phát huy ưu thế của nó. Chiếc máy tính vẫn chỉ được hiểu như máy đánh chữ mà họ vẫn tiêu tiền đấy chứ.

    Khó đánh giá khi tiền đầu tư được 20, 30%, thời gian triển khai thực tế có 3 năm. Phải có một thước đo khoa học mới đánh giá được. Lê Kim Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, có nói : Đầu tư thực hiện được 30%, nhưng khối lượng công việc đạt được 70%. 

    Tất nhiên, so với ước vọng thì chưa đạt được. Và đó là hiển nhiên. Chương trình nào cũng thế thôi. Ước muốn thì nhiều, đạt được 100% thì khó vì lý do hiển nhiên đầu tư ít và các rào cản về con người, hành chính, các thứ khác...

    Như vậy cũng không thể nói là đề án đứng trước nguy cơ phá sản?

    Đề án không phá sản. Nếu phá sản thì các tỉnh không thể hoạt động như bộ máy đang làm việc hiện nay. Bây giờ bảo dẹp những gì 112 đang làm đi thì các tỉnh tắc hết. Trong báo cáo của 64 tỉnh thì đều có đánh giá là chương trình thực hiện hiệu quả.

    Chính phủ đã có chỉ đạo với Ban điều hành về vấn đề quyết toán tài chính trong giai đoạn 1. Hiện công việc này đang được thực hiện thế nào?

    - Quyết toán tài chính bao giờ cũng là vấn đề lớn của một dự án ở mức quốc gia. Khi thực hiện đã có chủ trương, muốn thanh toán thì phải có ba-rem. Ngay từ năm 2003 đã có ba-rem, Bộ Tài chính thỏa thuận là làm theo đó. Khi hồ sơ nộp đầy đủ thì cứ theo ba-rem đó để thực hiện quy trình quyết toán. Bộ Tài Chính yêu cầu kiểm toán nhà nước kiểm tra lại việc quyết toán của ông A, ông B có đúng không, đóng dấu vào đấy. Nhưng quá trình đó không thể làm ngay được, các chương trình lớn như 500 KV, SEA Games 22... cũng không thể quyết toán vài tháng là xong.

    Bây giờ tất cả các hồ sơ được đóng gói ở đây và chúng tôi đang làm việc với Bộ Tài chính đưa vào quyết toán nhưng không phải là trong tháng 8 xong được. Quy trình thủ tục hoàn toàn tuân theo quy trình của Nhà nước.

    Ban điều hành có gặp khó khăn hay e ngại điều gì khi làm báo cáo tài chính?

    - Không có gì khó khăn cả vì cứ theo quy trình của Nhà nước mà làm. Còn có kiểm toán nhà nước kiểm tra lần cuối cùng. Mọi khâu thực hiện đều trong suốt. Mà hiện giờ khi triển khai đề án mới đang là tạm ứng. Khi quyết toán xong mới trả tiền hết. Chứ nếu mà công trình đã trả tiền hết rồi mà khi báo xong, không nhìn thấy công trình đâu hay địa phương bảo làm đấy, nhưng không chạy, vứt đi rồi mà tiền đã trả hết rồi thì đó mới là vấn đề.

    Ban điều hành không e ngại gì trong vấn đề quyết toán. Chỉ e ngại là khối lượng công việc quá nhiều nên làm không thể nhanh được.

    Đến nay Chính phủ có đánh giá thế nào về quá trình thực hiện Đề án? Qua các cuộc họp tổng kết gần đây của Ban Điều hành thì có kết luận về hiệu quả đề án ra sao?

    - Sau cuộc họp vừa rồi thì chúng tôi có viết một báo cáo gửi lên chính phủ theo công văn gửi xuống. Cuộc họp khác vào thời gian tới thì mới có văn bản kết luận hiệu quả chương trình ở mức nào, phần công thực hiện tiếp tục thế nào... Dự kiến trong thánh 9 sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc để tổng kết đánh giá thực hiện giai đoạn 1 của Đề án...

    Vấn đề nổi cộm của các cuộc họp vẫn là việc đánh giá hiệu quả. Có nên đánh giá hiệu quả của nó hay không khi thời gian thực hiện có thế và đây là công việc khó, mới, trách nhiệm của các bộ, các đơn vị thế nào, tiếp tục thực hiện ra sao... Còn kết luận sơ bộ là Đề án vẫn tiếp tục và xác định đây là chương trình lâu dài, diễn ra trong nhiều năm. Những gì đang làm thì tiếp tục thực hiện, những gì đã làm rồi thì củng cố cho tốt, hiệu quả, chứ không phải làm xong thì đánh trống bỏ dùi. 

    Lộ trình của giai đoạn 2 dự kiến sẽ được thực hiện thế nào?

    - Hệ thống thông tin điện tử làm sao phải đưa đến cấp huyện. 100% cán bộ công chức sử dụng thư điện tử trao đổi với nhau. Đối với người làm CNTT điều này là đơn giản nhưng thực ra là mới với cán bộ cấp huyện. Về đào tạo, mọi người qua khóa đào tạo, có chứng chỉ. Đến năm 2009 -2010 bắt đầu có ảnh hưởng đến cấp xã. Đến năm 2010 không phải đã là chấm dứt mà khi đó ta mới đủ cơ sở hình thành việc xây dựng chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử phải là kế hoạch vài chục năm.

    Vấn đề đầu tư sẽ được thực hiện ra sao?

    - Giai đoạn 1 mới đầu tư được khoảng 30%. Giai đoạn 2 tiếp tục là điều rõ ràng rồi, sẽ là vào hạ tầng cơ sở kỹ thuật, đến cấp huyện, mỗi chuyên viên có đủ một máy tính chưa, mạng nối các cơ quan theo diện rộng, kết nối với nhau, có hệ thống bảo mật. Trung tâm tích hợp dữ liệu đang đạt được mức độ cơ bản, có máy chủ chạy ứng dụng, máy chủ chạy thư điện tử, kiến trúc phân tầng...

    Việc đầu tư lại không có, đầu tư thêm thì có. Kiến trúc hệ thống thông tin của mình sai, khi chạy có vấn đề, không đảm bảo an ninh, lưu lượng... thì mới phải đầu tư lại. Với 112 thì kiến trúc thông tin đã được xác định chính xác rồi, mình đã học tập của Đức, của Anh... Kiến trúc đúng rồi chỉ đầu tư bỏ thêm vào thôi chứ không phải bỏ đi làm lại...

    Việc thực hiện Đề án 112 có vị trí thế nào trong việc hình thành chính phủ điện tử của nước ta? Những gì "chưa thành công" của Đề án có làm chậm con đường đi lên Chính phủ điện tử? 

    - Những gì 112 đang làm với mục tiêu tin học hoá cải cách hành chính nhà nước trong góc nhìn của chính phủ điện tử chắc chắn là một thành phần quan trọng. Nhưng chinh phủ điện tử đã có con đường đâu... Dự án chính phủ điện đang đặt trên bàn, chưa phê duyệt thì không thể nói là Đề án 112 làm chậm được. 

    Để thành lập chính phủ điện tử thì cần phải hội tụ nhiều điều kiện nữa. Thứ nhất là năng lực sử dụng CNTT của nước ta phải nâng cao lên. Thứ hai là năng lực quản lý dự án CNTT. Nếu nhà nước không quản lý được thì vừa lãng phí, vừa tai hại. Thứ ba là sẵn sàng về điện tử của nhà nước, nhân dân. Chính phủ phải đi đầu về ứng dụng điện tử. Đề án 112 thực hiện một mảng lớn của chính phủ điện tử. Nhưng đối tượng của 112 là cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

    Xin cảm ơn ông!

  • vnn.vn