Đó là đánh giá của ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông về môi trường kinh doanh của các DN viễn thông và CNTT Việt Nam thời kỳ hậu WTO.
Ông đánh giá như thế nào về khả năng cạnh tranh của các DN viễn thông và CNTT Việt Nam hiện nay? Liệu chúng ta có đủ sức để cạnh tranh với các DN nước ngoài sau khi Hiệp định thương mại Việt-Mỹ chính thức có hiệu lực và Việt Nam trở thành thành viên của WTO?
Có thể khẳng định rằng về phía Nhà nước, trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ cũng như đàm phán gia nhập WTO, chúng ta đã chủ động xây dựng một lộ trình mở cửa phù hợp, đã tạo dựng một môi trường với các yếu tố mang tính động lực, vừa hỗ trợ, thúc đẩy vừa tạo "sức ép" cho các DN để tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và tích luỹ kinh nghiệm cạnh tranh, đồng thời đưa ra các giải pháp phù hợp để bảo vệ quyền lợi quốc gia.
Tuy nhiên, hội nhập có thực sự thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của các DN. Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cũng như trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN cho thấy khi mở cửa cạnh tranh, thông qua chính sách hợp lý của Chính phủ, các DN đã có những điều chỉnh hợp lý về tổ chức, cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, chú trọng việc phát triển thị trường trong và ngoài nước đồng thời đầu tư thích đáng cho việc phát triển nguồn nhân lực, nên sức cạnh tranh tăng lên rõ rệt, đủ sức giữ vững thị trường và cạnh tranh có hiệu quả với các công ty nước ngoài.
Hiện có ý kiến cho rằng, các DN CNTT và viễn thông của Việt Nam đang quá lạc quan, thậm chí chủ quan về triển vọng phát triển sau WTO. Theo ông, các DN có lý do nào để lạc quan và ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Việc Việt Nam sẽ trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chỉ còn là vấn đề thời gian. Khi đã bước vào sân chơi chung toàn cầu về thương mại và dịch vụ, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để phát triển,... mở rộng thị trường cả trong nước và ra nước ngoài, để tiếp cận nhanh hơn với công nghệ, kỹ thuật hiện đại của thế giới..., tuy nhiên thách thức cũng không ít.
Nếu các DN "quá lạc quan, thậm chí chủ quan" thì cần phải nghiêm túc xem lại. Tuy nhiên cũng không nên quá bi quan đối với quá trình này bởi vì lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT đã có thời gian khá dài cho tập dượt cạnh tranh, mở cửa thị trường, cụ thể là:
Về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ: do đặc thù của lĩnh vực bưu chính viễn thông đây là ngành sản xuất mang tính xã hội hóa cao, phạm vi thông tin, bất luận là thông tin kinh tế, xã hội hay tin tức cá nhân đều không thể giới hạn trong một phạm vi, một bộ phận nào đó mà nó được tiến hành cho cả cộng đồng, trong cả quốc gia và thậm chí trong phạm vi thế giới; quy trình sản xuất của bưu chính viễn thông không được gián đoạn, phải đảm bảo toàn trình, toàn mạng, không thể phân cắt.
Chính vì lẽ đó mà hơn 20 năm đổi mới vừa qua, bưu chính viễn thông đã được giao nhiệm vụ đi đầu trong hội nhập và thực tế mạng lưới bưu chính viễn thông Việt Nam đã được đấu nối hòa mạng với các mạng của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn dịch vụ phải tương thích với mạng toàn cầu.
Về mặt kinh tế, thương mại: để đấu nối được với mạng toàn cầu, ngoài phần kỹ thuật, các DN Việt Nam phải đàm phán để thỏa thuận ăn chia với các nước, phải tiếp cận với quy tắc quốc tế về phân chia cước kết nối với các nhà khai thác khác trên thế giới.
Về mặt sản xuất, xuất nhập khẩu trang thiết bị: đây là lĩnh vực mà Nhà nước ta có chủ trương thúc đẩy cạnh tranh rất sớm, Nhà nước đã giảm tối đa sự bảo hộ cho lĩnh vực này, cho phép và tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia, khuyến khích liên doanh, liên kết với nước ngoài, chính vì vậy mà các sản phẩm điện tử, viễn thông, CNTT do Việt Nam sản xuất được cũng đã chiếm được khá lớn thị trường trong nước và đã có xuất khẩu.
Theo ông, các DN sẽ phải đối mặt với những nguy cơ nào sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO? Cần phải khắc phục những nguy cơ này như thế nào?
Khi chính thức trở thành thành viên WTO, sự cạnh tranh chắc chắn sẽ khốc liệt hơn đặc biệt đối với phần kinh doanh dịch vụ vì theo cam kết của chúng ta, thị trường dịch vụ không có hạ tầng mạng sẽ mở rộng hơn so với cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), bên nước ngoài khi liên doanh có quyền nâng mức góp vốn lên cao hơn, khả năng kiểm soát của nước ngoài đối với việc điều hành kinh doanh dịch vụ cũng lớn hơn...đây cũng chính là nguy cơ mà các DN phải đối mặt.
Để giảm thiểu tối đa các nguy cơ, hay nói cách khác, để tăng năng lực cạnh tranh của mình, theo tôi, các DN cần: tiếp tục tăng cường tiềm lực: tuy chúng ta đã đầu tư và xây dựng được một hệ thống mạng lưới với công nghệ khá hiện đại (với tỷ lệ số hóa đạt gần 100%) song quy mô về mạng lưới, số lượng thuê bao, quy mô về vốn còn rất khiêm tốn.
Muốn vậy cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc đổi mới sự hoạt động và quản lý của DN, tìm mọi biện pháp để thu hút đầu tư và tích lũy vốn (cổ phần hóa, tăng cường liên doanh, liên kết, xác định đúng được đối tác chiến lược...). Phát triển nhanh để mở rộng phạm vi thị trường trong nước, điều quan trọng là phải giữ được khách hàng, muốn vậy phải nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng và cước phí phù hợp; đồng thời phải chủ động mở rộng ra thị trường ngoài nước.