Công nghệ plasma, hiện chiếm 18% thị trường màn hình phẳng toàn cầu, giành ưu thế với các sản phẩm trên 50 inch. Tuần trước, hãng Matsushita của Nhật đã đầu tư 2,5 tỷ USD để xây dựng nhà máy chế tạo màn hình loại này lớn nhất thế giới.
Ba hãng Matsushita, LG Electronics và Samsung SDI cũng đã sản xuất hơn 1,4 triệu tấm nền mỗi tháng cho TV plasma trong năm 2006. Vậy những hệ thống này được hình thành như thế nào?
Quy trình bắt đầu bằng việc sản xuất những tấm kính mỏng. Mỗi tấm "mẹ" thường được cắt thành 6 tấm con 42 inch hoặc 4 tấm 50 inch. Đôi khi, họ giữ cả tấm lớn để tạo ra TV trên 100 inch.
Một tấm nền plasma gồm hai phiến kính kẹp giữa lớp khí gas có khả năng biến các tín hiệu điện tử thành thể plasma (loại khí có số lượng các hạt mang điện âm - dương tương đương nhau) để sản sinh ánh sáng sống động mà mắt thường có thể quan sát được. Chất nền ở mặt sau phiến kính cũng được phủ các chất hóa học lân tinh đỏ, xanh lục và xanh lam để tạo ra những màu sắc khác nhau.
Một điện cực sẽ đóng vai trò như bộ chuyển mạch ánh sáng. Plasma sẽ phát ra ánh cực tím, kích thích chất hóa học tạo nên những màu sắc ánh sáng khác nhau. Nhờ đó, không như màn hình tinh thể lỏng, các thiết bị plamsa không cần đến đèn nền.
Các kỹ sư sẽ dùng máy tính khởi động robot để in chất hóa học lân tinh lên chất nền phía sau màn hình plasma.
Các bảng mạch được phủ chất hóa học, đóng vai trò truyền tín hiệu đến từng điểm ảnh (pixel), sẽ được đưa vào tấm nền plasma để tạo thành module cuối cùng cho các hãng sản xuất TV.
Công nhân đóng gói module màn hình plasma, đặt chúng vào hộp và gửi cho nhà sản xuất TV để họ trang bị thêm bộ tín hiệu truyền hình, loa, bảng điều khiển, vỏ... và làm nên một hệ thống hoàn chỉnh.
Các nhân viên kiểm tra chất lượng đang đánh giá lại tình trạng của các TV plasma.
Cuối cùng, TV plasma sẽ đến tay người tiêu dùng và trở thành trung tâm trong hệ thống giải trí gia đình.