• “WTO hướng tới những người nghèo”
  • 09:35 06/11/2006
  • Trong năm nay tổng giám đốc WTO, ông Pascal Lamy, có hai cuộc trao đổi trên mạng hồi tháng hai và vào ngày 18-10 với tất cả những người quan tâm đến các vấn đề của WTO. Chúng tôi trích lược:

    Quan điểm ủng hộ người nghèo trong luật lệ của WTO được thể hiện như thế nào khi họ là những người chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi quá trình tự do hóa thương mại?


    - Có ba khía cạnh mà WTO thực hiện rất chủ động hướng tới những người nghèo. Thứ nhất, 3/4 số thành viên của WTO là những quốc gia đang phát triển và mọi quyết nghị của WTO được thực hiện trên cơ sở đồng thuận. Thứ hai, tiếng nói và kinh nghiệm của các nước đang phát triển đã tăng lên đáng kể trong mười năm qua thông qua việc hình thành các nhóm như G20. Và cuối cùng là các cuộc đàm phán của WTO không được tiến hành biệt lập mà được gắn liền với các mục tiêu thiên niên kỷ và các chiến lược xóa đói nghèo.

    Nhìn tổng thể thì thế cân bằng đã chuyển từ “sự đồng thuận Washington” truyền thống (với ảnh hưởng của Mỹ, EU) sang “sự đồng thuận Geneva” (sự đồng thuận của số đông), gây thách thức cho các cơ cấu quyền lực truyền thống của Mỹ và EU. Các đàm phán của WTO dựa trên tiền đề rằng tất cả thành viên đều nhận thức mở cửa kinh tế là tốt.

    Trong khuôn khổ của thỏa thuận chung về dịch vụ (GATS) của WTO thì đâu là những quyền cơ bản về nước, giáo dục, cơ hội bình đẳng... cho những người nghèo?

    - Lĩnh vực dịch vụ không bị bó khung như các nguyên tắc về nông nghiệp và công nghiệp... Trong lĩnh vực dịch vụ, mỗi nước có những lựa chọn khác nhau về lĩnh vực sẽ mở cửa và lĩnh vực họ tiếp tục bảo hộ. Đối với các dịch vụ cơ bản như điện và nước thì WTO không gây sức ép phải mở cửa các lĩnh vực đó. Các nước có quyền quyết định việc mở cửa lĩnh vực đó hay không.

    Ngày càng có xu hướng của việc ký kết các thỏa thuận mậu dịch tự do FTA giữa các thành viên WTO sau khi các vòng đàm phán Doha sụp đổ. Sự phát triển của các FTA liệu có làm tổn thương tới hệ thống của WTO? Liệu các thỏa thuận song phương này có thay thế các thỏa thuận đa phương hiện tại hay không?

    - Luôn có những thỏa thuận hợp tác giữa các nước, như kiểu các thành viên EU. Mỹ cũng bắt đầu các đàm phán về mậu dịch song phương từ năm 1999 dù đã thành lập NAFTA. Theo tôi, hầu hết những đàm phán đó vì mục tiêu chính trị nhiều hơn là vì kinh tế, vì vậy xu hướng đó là không mới. Trung Quốc, khi trở thành đối tác kinh tế quan trọng, họ cũng hướng tới các thỏa thuận song phương của riêng họ.

    Sẽ tốt hơn nếu FTA là sự bổ trợ cho WTO vì cơ cấu thương mại đa phương không giải quyết nhiều các vấn đề thương mại chi tiết. Tuy vậy thương mại đa phương có thể giải quyết nhiều vấn đề vượt quá tầm của thương mại song phương như các qui định về nông sản và bán phá giá. Các phần dễ dàng của mở cửa thương mại có thể được tiến hành bởi các thỏa thuận song phương, còn phần khó hơn sẽ dành cho đa phương. Ngoài ra, trong khi các thỏa thuận đa phương được xử lý trên cơ sở bình đẳng thì các thỏa thuận song phương thường không có được điều này.

    Một trong những nguyên tắc của WTO là đưa quyết định thông qua đồng thuận. Nhưng đồng thuận cũng có thể bị lợi dụng để một nước có thể cản toàn bộ quá trình đàm phán như những gì đang diễn ra với vòng Doha hiện nay. Ông có cho rằng hệ thống quyết định mới kiểu bỏ phiếu cần được triển khai không?

    - Đồng thuận là một phần của hệ thống. Ở WTO chúng tôi có hai hệ thống gọi là hành động thống nhất và đàm phán từ dưới lên. Với hành động thống nhất, chúng tôi đưa rất nhiều chủ đề vào một chương trình chung với nguyên tắc là không có thỏa thuận cho đến khi mọi thứ được đồng ý.

    Hệ thống đàm phán từ dưới lên là từ các sáng kiến và đề xuất từ các thành viên thay vì xuất hiện từ bộ máy điều hành. Do đó, đồng thuận chỉ là một yếu tố của hệ thống.

    Đồng thuận có ý nghĩa khác nhau tùy thuộc với từng vấn đề. Vì vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để các luật lệ và qui trình có thể làm giảm các cản trở đối với việc vận hành của hệ thống. Việc đưa ra quyết định bằng đa số, hay dựa theo tỉ lệ thương mại của từng thành viên cũng đều gây ra các rắc rối.

    Ông có nghĩ rằng việc cắt giảm thuế mạnh ở các nước đang phát triển có thể khiến nhiều công ty ở đó rơi vào phá sản?

    - Việc cắt giảm thuế luôn là một vấn đề khó khăn nhất trong các cuộc đàm phán... Một số quốc gia cũng lo lắng về việc sút giảm nguồn thu... Tuy vậy tôi không nghĩ rằng điều này có thể dẫn đến phá sản... Thực tế tự do hóa kinh tế và cắt giảm thuế ở một số nước đang phát triển thường chỉ dẫn đến tăng trưởng kinh tế.

  • tuoitre.com.vn