“Trong thị trường điện tử, muốn có sản phẩm tốt, chất lượng cao, giá cả cạnh tranh phải không ngừng đầu tư về công nghệ. Còn ngành điện tử Việt Nam xuất thân chủ yếu là lắp ráp, do đó công nghệ không thể sánh được với các nước phát triển, vì thế sản phẩm mang tính cạnh tranh thấp và đang gặp nhiều khó khăn. Tổng công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam (VEIC) cũng như các đơn vị thành viên đang tích cực tìm ra hướng đi cụ thể, từng bước dịch chuyển sang lĩnh vực sản phẩm điện tử mới nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu” - ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐQT VEIC nói về hướng phát triển của Tổng Công ty.
Tập trung phát triển thị trường nội địa
|
Ông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch HĐQT của VEIC
|
Nói về Ngành điện tử Việt Nam hiện nay, ông Sơn cho rằng đang gặp nhiều khó khăn hơn so với các ngành khác. Một số đơn vị lớn trong Tổng Công ty VEIC hiện đang có doanh thu tốt, nhưng thực tế lợi nhuận lại không cao. Do đặc thù của ngành điện tử dân dụng là giá thành ngày càng hạ thấp vì phải cạnh tranh khốc liệt với hàng điện tử nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị làm gia công hàng điện tử xuất khẩu nhưng do khủng hoảng kinh tế nên thị trường bị thu hẹp lại. Khó khăn như vậy, nhưng các đơn vị này lại không được hưởng lãi suất vốn kích cầu của Chính phủ để duy trì sản xuất.
Thời gian vừa qua, dù có nhiều chuyến đi công tác với lãnh đạo Nhà nước thăm và tìm hiểu thị trường ở Trung Đông, Bắc Mỹ, các nước Đông Nam á, Châu Phi nhưng kết quả không được khả quan, chưa ký kết được các hợp đồng lớn. Chỉ có một số đơn hàng sản xuất các thiết bị y tế xuất khẩu sang Lào, Campuchia của Công ty Điện tử Đống Đa là có tín hiệu tốt.
Theo ông Sơn, điện tử Việt Nam trước khi thâm nhập vào các thị trường đã nêu trên cần phải làm tốt công tác thị trường, tiếp thị, đồng thời giá thành sản phẩm phải chấp nhận được, có hệ thống bảo hành bảo trì hiệu quả… Vì đa số các nước này nền kinh tế còn khó khăn hơn Việt Nam, do đó một số nước muốn viện trợ không hoàn lại. Đối với những hợp đồng bán hàng thì khi thanh toán gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như thị trường Myanma có nhu cầu về sản phẩm điện tử, nhưng phương thức thanh toán lại gặp rất nhiều trở ngại. Đối với các nước tiên tiến thì hàng điện tử của Việt Nam chưa thể xâm nhập được, vì cạnh tranh rất khốc liệt, mà mới vào được thị trường của các nước kém phát triển. Bởi vậy cần phải tập trung sản xuất các sản phẩm điện tử mới để phát triển ở thị trường nội địa, đó chính là cơ hội lớn nhất để tồn tại và phát triển.
Đa dạng hoá sản phẩm
Hiện nay, VEIC đã hướng tới thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa để người dân nơi đây có thể tiếp cận được với sản phẩm tốt, giá rẻ. Ngoài các sản phẩm điện tử truyền thống như ti vi, karaoke, cassette… VEIC đang tiến hành đa dạng hoá sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp, chưa có sự cạnh tranh khốc liệt bằng điện tử dân dụng. Điều này đã được minh chứng bằng việc VEIC đang tập trung tham gia vào thiết kế và cung cấp thiết bị điện tử công nghiệp cho các nhà máy thuỷ điện AVương, Lây Krong, Bắc Hà, Đắc Tít…
|
Các sản phẩm điện tử công nghiệp của VEIC sẽ mang lại sự thành công cho các dự án thuỷ điện
|
Ngoài ra mở rộng thêm lĩnh vực điện tử gia dụng như thành lập Xưởng lắp ráp thiết bị điện lạnh. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp các sản phẩm đèn LED tiết kiệm năng lượng chiếu sáng, các sản phẩm tin học, công nghệ thông tin; tích cực đẩy mạnh về công nghiệp tự động hoá và tập trung mở rộng sản xuất điện tử y tế. Nếu trước đây VEIC chỉ theo hướng điện tử dân dụng, thì nay hướng đến điện tử chuyên dụng đa dạng hoá sản phẩm, tăng thêm được doanh thu.
Định hướng về ngành điện tử, Ông Lê Ngọc Sơn cho biết: VEIC hiện có 14 đơn vị thành viên và thu hút gần 4 nghìn lao động. Ngoài những sản phẩm truyền thống là điện tử dân dụng, các đơn vị đang dịch chuyển san sản xuất những sản phẩm điện tử phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó muốn tồn tại và phát triển Ngành điện tử trong thời đại hiện nay phải đầu tư vào công nghệ. Ngoài ra phải đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, những lĩnh vực chủ yếu vẫn là điện tử. Trong Tổng công ty cũng vậy, có đơn vị thì làm về điện tử, đơn vị khác thì làm sản phẩm mới, đơn vị làm đầu tư… điều này trước đây không thể làm được do cơ chế quá cứng. Nếu đơn vị nào làm hiệu quả thì tạo mọi điều kiện kích thích cho đơn vị hoạt động và sẽ phân công cụ thể công việc tránh lấn sân của nhau và trong trường hợp có hợp đồng với nước ngoài hoặc có những dự án kích cầu thì cùng nhau thực hiện để mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay, VEIC đang xây dựng chiến lược phát triển trong giai đoạn 2010 -2015 và tầm nhìn năm 2020. Trong đó có sự phân công đầu tư lại các đơn vị thành viên với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm chuyên dụng trong các lĩnh vực điện tử như: dân dụng, gia dụng, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hoá, điện tử y tế, đèn Led chiếu sáng, điện tử công nghiệp... nhằm mục đích đầu tư vào công nghệ và từng bước phát triển thị trường trong nước.
Một mục tiêu quan trọng mà VEIC đang theo đuổi - đó là thu hút đầu tư nước ngoài vào Khu Công nghệ cao Hoà Lạc và các Khu công nghiệp khác tại Hà Nội, Hải Phòng và Tp. Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, sớm đưa ngành công nghiệp điện tử, tin học trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. “Mục tiêu này sẽ sớm thành công, vì hiện VEIC đang hợp tác dưới nhiều hình thức khác nhau với nhiều hãng điện tử và tin học nổi tiếng thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Châu á’ - ông Lê Ngọc Sơn khẳng định.