Công ty CP Điện tử Bình Hoà - VBH khác hẳn với các doanh nghiệp khác trong Tổng Công Ty CP Điện Tử & Tin Học VN - VEIC là các sản phẩm điện tử chủ yếu xuất khẩu. Do khủng hoảng kinh tế nên các đơn hàng sụt giảm không bố trí đầy đủ cho người lao động. Tuy nhiên sau khủng hoảng, số lượng công nhân quay lại làm việc sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng - bài toán nan giải này được ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc VBH chia sẻ với Tạp chí Vietnam Potentials.
VBH là một doanh nghiệp điện tử, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu. Vậy cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thế nào?
|
Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc VBH
|
VBH là Công ty có đặc thù riêng so với một số thành viên trong Tổng Công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam. Bởi đơn vị có số lượng người lao động đông nhất, đầu năm 2009 có khoảng 755 người, đồng thời VBH có kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao nhất, hàng năm từ 15 đến 20 triệu USD. Hiện chúng tôi sản xuất bốn chủng loại sản phẩm chính bao gồm: các loại biến thế - Transformers; các loại cuộn dây - Choke coils; bộ nguồn DC-DC & AC-DC converter và các bản mạch điện tử - electronic modules. Trước đây trong cơ cấu doanh thu trên 80% là xuất khẩu, tuy nhiên từ khi khủng hoảng xảy ra xuất khẩu giảm sút đáng kể chỉ còn khoảng 63%.
Đứng trước khó khăn, VBH đã tìm ra cho mình hướng đi mới, tìm kiếm được một số khách hàng trong nước. Chính xác hơn đó là những khách hàng có vốn đầu tư nước ngoài đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam do đó đơn hàng nội địa đã tăng lên nhiều so với trước đây. Đối với những khách hàng xuất khẩu chính lâu nay là Nhật Bản và Mỹ, do khủng hoảng kinh tế tài chính nên các đơn hàng xuất khẩu của Công ty sụt giảm. Vì vậy ảnh hưởng đến doanh thu của công ty và ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của người lao động ngay từ quý 4 năm 2008.
Trong tương lai ngành công nghiệp điện tử sẽ gặp rất nhiều khó khăn không chỉ riêng Việt Nam mà cả trên thế giới. Một số đối tác lớn của VBH ở Nhật Bản năm 2008 hầu như quyết toán đều lỗ, ở Hoa Kỳ thì cũng rất khó khăn không kém, trong số 03 đối tác hợp tác lâu nay hiện đã có 01 đối tác chấm dứt đơn hàng với VBH trong năm 2009. Điều này chứng tỏ không chỉ riêng ngành điện tử Việt Nam gặp khó khăn, mà ở nước ngoài cũng trong cảnh tương tự. Nhưng ngược lại đơn hàng trong thị trường nội địa có tăng, tuy nhiên sản lượng lại không nhiều, giá trị không cao, doanh thu không lớn và lợi nhuận đem lại rất khiêm tốn không thể bù đắp được những phần mà hợp tác với nước ngoài. Công ty đã có những chính sách và cố gắng để tìm cách trụ được trong lúc khó khăn và tiếp xúc với một số khách hàng mới để chờ đợi thời cơ vượt qua.
Để tìm ra lối thoát trong bối cảnh khủng hoảng, VBH đã có những biện pháp tháo gỡ như thế nào?
Do đặc thù sản phẩm của VBH là các linh kiện, bán thành phẩm cho nên VBH vẫn cố gắng duy trì những khách hàng hiện có và sẽ cố gắng tìm thêm những khách hàng mới không chỉ ở nước ngoài mà còn đặc biệt chú trọng đến thị trường nội địa. Quan trọng nhất là đầu tư vào các thiết bị tiên tiến để có thể sản xuất các loại bản mạch điện tử có chất lượng cao, riêng sản phẩm này hiện đã có các đối tác ở trong nước và nhiều bạn hàng ở Hoa Kỳ đã tìm đến với chúng tôi để hợp tác. Là một doanh nghiệp làm ăn uy tín về chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng với những đối tác nước ngoài nên VBH rất được tin tưởng. Cho đến nay đã được 15 năm VBH làm ăn với nước ngoài, tạo được chữ tín lớn với bạn hàng. Vì thế, ở châu á các sản phẩm của VBH đã có mặt ở thị trường: Nhật Bản, Autraylia, Hồng Kông, Philippine và các nước Asian; ở châu Âu là Đức, Hà Lan, Anh, Thụy Sĩ; thị trường Bắc Mỹ: Hoa Kỳ, Canađa…
Về vấn đề tiếp cận vốn vay kích cầu, ông có ý kiến gì?
Trong điều kiện suy thoái kinh tế hiện nay, Nhà nước đã có những gói kinh tế kích cầu hỗ trợ lãi suất ưu đãi kịp thời cho nhiều doanh nghiệp loại vừa và nhỏ. Tuy nhiên có một sự thật là những doanh nghiệp lớn về quy mô số lượng lao động và vốn điều lệ như VBH thì khi khủng hoảng kinh tế chắc chắn cũng sẽ gặp rất nhiều rủi ro, khó khăn hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ gấp nhiều lần. Bởi doanh nghiệp lớn có thị trường lớn, xuất khẩu nhiều, số lượng lao động đông, vốn lớn… Tuy nhiên chính sách của Nhà nước hiện nay vẫn chưa có cơ chế ưu đãi nào giúp đỡ các doanh nghiệp như VBH, điều này theo tôi là chưa bình đẳng.
|
Thị trường xuất khẩu hiện nay gặp khó khăn, Công ty chuyển hướng sang thị trường nội địa, sản xuất những mặt hàng có giá cả phù hợp với người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên để làm được điều này cần phải có vốn đầu tư ban đầu. Nếu không có vốn sẽ khó có chỗ đứng ngay tại thị trường nội địa, chứ chưa nói là xuất khẩu hay vượt qua khó khăn.
Khủng hoảng chắc chắn sẽ chấm dứt, tuy nhiên bài toán huy động công nhân quay trở lại công ty sau thời gian dái nghỉ việc liệu có gặp khó khăn?
Quan trọng nhất để vượt qua khó khăn đó là đơn hàng, nếu có đơn hàng với số lượng lớn sẽ kéo lại được người lao động vào làm việc trở lại. Tuy nhiên điều mà VBH đang lo lắng và gặp phải là khi số lượng đơn hàng có tăng thì vấn đề huy động lực lượng lao động trở lại làm việc gặp nhiều khó khăn. Đây là vấn đề nan giải, tỷ lệ lao động quay lại công ty sau thời gian nghỉ việc sẽ bị mai một rất nhiều, điều này đồng nghĩa với tình trạng không đủ lao động phục vụ nhu cầu sản xuất: vừa tốn tiền chi trả trợ cấp thôi việc cho lao động cũ lại vừa tốn tiền chi phí đào tạo cho lao động mới. Đây là vấn đề lo lắng nhất không chỉ riêng VBH mà còn chung cho các doanh nghiệp khác trong cả nước gặp khó khăn.
Hiện nay, các khu công nghiệp ngày càng hình thành nhiều, các công ty ra đời kèm theo đó là vấn đề cạnh tranh về nhân lực cũng rất khốc liệt. VBH mặc dù là Công ty cổ phần với 51% là vốn của Nhà nước, dù sao vẫn chưa thoát khỏi hình thức quản lý bao cấp. Do đó tính chuyển đổi chậm, bên cạnh đó mức thu nhập của người lao động còn giới hạn. Hiện nay các công ty nước ngoài đang “săn lùng” các thợ bậc cao kỹ thuật của Công ty, sang bên đó làm việc người thợ được trả lương cao hơn, vì vậy Công ty cũng rất bị động về nhân sự. Điều này minh chứng tại sao trong năm 2008, Công ty đã phải chi trả tiền trợ cấp thôi việc 800 triệu đồng cho lao động thôi việc chuyển sang các doanh nghiệp khác. Do đó những doanh nghiệp đặc thù như Công ty Cổ phần Điện Tử Bình Hoà -VBH, một đơn vị có nhiều thành tích trong xuất khẩu và có số lượng lao động đông thì cần phải được ưu đãi, không chỉ hỗ trợ về vốn mà cả nguồn nhân lực.
Xin trân trọng cám ơn ông!