Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics, tên giao dịch quốc tế là Viettronics Technology College (tên viết tắt: Viettronics), là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đào tạo đa cấp, đa ngành từ Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng - Đại học và Sau Đại học.

Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics là trường Cao đẳng chuyên nghiệp công lập  được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 2445 QĐ/BGD&ĐT – TCCB ngày 29/5/2003, trực thuộc sự quản lý và điều hành của Tổng Công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam.

Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics - một trường chuyên nghiệp công lập với sứ mạng của một ngôi trường hàng đầu đào tạo thực hành và nghiên cứu ứng dụng về công nghệ và kinh doanh cùng với tư tưởng “Học thật-Thi thật-Làm thật và Đào tạo gắn liền với thực tiễn nhằm giải quyết đầu ra cho sinh viên” là mối quan tâm hàng đầu của nhà trường.

Với sự cố gắng và quyết tâm to lớn của Lãnh đạo Nhà trường, sự phấn đấu, nỗ lực hết mình của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và sự gắn bó của toàn thể học sinh, sinh viên trong những năm qua, trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả và thành tích đáng khích lệ.

1. VỀ CƠ CẤU TỔ CHỨC

1.1 Hội đồng Nhà trường

1. Ông Vũ Hải Vĩnh- Phó Tổng Giám đốc TCT Điện tử & Tin học Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng 

2. Ông Lê Đức Minh  - Trưởng Ban Kế hoạch Đầu tư TCT Điện tử & Tin học Việt Nam - Uỷ viên

3. Tiến sỹ Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng Nhà trường - Uỷ viên

4. Thạc sỹ Trần Quốc Cường - Phó Hiệu trưởng Nhà trường - Uỷ viên

5. Thạc sỹ Nguyễn Thị Thiết - Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính - Uỷ viên

1.2 Ban Giám hiệu

1. Tiến sỹ Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng

2. Thạc sỹ Trần Quốc Cường - Phó Hiệu trưởng

1.3 Các đơn vị trực thuộc

Khi mới thành lập cơ cấu tổ chức của Nhà trường gồm: Hiệu trưởng, 3 phòng chức năng (Phòng Tổ chức hành chính, Phòng Đào tạo, Phòng Kế toán – Tài chính), chưa có các khoa chuyên môn, mới chỉ có các Bộ môn: Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Công nghệ tự động, Ngoại ngữ và Quản trị kinh doanh.    

Năm học 2004 – 2005: Cơ cấu tổ chức của Nhà trường cơ bản được hoàn thiện; Gồm: Hiệu trưởng, 04 phòng chức năng (Phòng Tổng hợp, Phòng Đào tạo, Phòng Kế toán – Tài chính, Phòng Công tác Học sinh, sinh viên); 03 Ban chuyên trách (Ban Giáo dục thường xuyên, Ban Giáo dục nghề nghiệp, Ban Kế hoạch - Vật tư); 04 Khoa chuyên môn (Công nghệ Thông tin, Điện - Điện tử, Kinh tế - Quản lý và Khoa Cơ bản, trong các Khoa có các Bộ môn riêng của từng ngành đào tạo).

Trải qua các giai đoạn phát triển, đến nay cơ cấu tổ chức của Nhà trường đã ổn định và từng bước phát triển, phát huy vai trò tham mưu của mình với Ban lãnh đạo Nhà trường trong công tác hoạch định chiến lược phát triển của Nhà trường với 5 Phòng chức năng (Phòng Tổng hợp, Phòng Đào tạo và Công tác Học sinh sinh viên, Phòng Tuyển sinh và Quan hệ đối ngoại, Phòng Kế hoạch Tài chính, Phòng Đảm bảo chất lượng và Nghiên cứu khoa học), 5 khoa chuyên môn (Công nghệ Thông tin, Điện - Điện tử, Kế toán tài chính, Khoa Quản trị Kinh doanh và Khoa Cơ bản), Ban Quản trị thiết bị - Thư viện và các trung tâm: Trung tâm Liên kết đào tạo, Trung tâm ngoại ngữ tin học, Trung tâm mạng máy tính, Trung tâm Hợp tác Quốc tế,  Trung tâm Tư vấn và Đào tạo Kế toán, Trung tâm Dịch vụ, Trung tâm ứng dụng và Phát triển CNTT, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ Tự động hóa....

1.4 Các tổ chức Chính trị, đoàn thể:

Chi bộ đảng

Chi bộ trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics được thành lập ngày 10/01/2004, trực thuộc Quận Uỷ Hải An do đồng chí Thân Ngọc Hoàn (Hiệu trưởng Nhà trường) làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ thực hiện lãnh đạo toàn diện các mặt công tác trong Nhà trường, đảm bảo thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, phát luật của Nhà nước.

Bí thư Chi bộ qua các thời kỳ:

- Đ/c Thân Ngọc Hoàn: 2003 – 2004

- Đ/c Bùi Duy Cường: 2004 – T6/2010

- Đ/c Nguyễn Thị Thiết: 09/2011 đến nay .

Công đoàn

Tổ chức công đoàn của trường được thành lập ngày 18/01/2004 do đồng chí Đàm Hương Lưu làm chủ tịch Công đoàn, là đơn vị trực thuộc Công đoàn Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam (Nay là Tổng Công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam).

Chủ tịch công đoàn qua các thời kỳ:

- Đ/c Đàm Hương Lưu: 2003 – 2004

- Đ/c Phạm Hồng Thuỷ: 2004 – 2007

- Đ/c Phạm Đức Chung: 2007 - 2011

- Đ/c Phạm Đức Duyến: 2011 đến nay

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics được thành lập ngày 16/02/2004, trực thuộc Quận Đoàn Hải An, do đồng chí Lê Thị Phương Nhung làm Bí thư Đoàn trường. Ngày 05/08/2005 Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng ký quyết định số 329/QĐ/ĐTN tiếp nhận Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics chính thức trược thuộc Thành đoàn Hải Phòng.

Bí thư Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ:

- Đ/c Lê Thị Phương Nhung: 2004 – 2006

- Đ/c Bùi Đức Hiếu: 2006 – 2008

- Đ/c Nguyễn Thị Lệ Quyên: 2008 - 2012

- Đ/c Bùi Thị Trang: 2012 - 2013

 

2. VỀ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN

Đội ngũ cán bộ giáo viên luôn được Nhà trường quan tâm, đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như trình độ lý luận chính trị, coi đây là một bộ phận không thể tách rời trong công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo của Nhà trường. Đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ cao là một trong những điểm mấu chốt quyết định đến chất lượng đào tạo và sản phẩm đầu ra của Nhà trường. Do đó, song song với nhiệm vụ tự học và sáng tạo thì sự đầu tư về thời gian, cơ chế của Nhà trường trong những năm qua đã góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng quản lý và chất lượng giảng dạy của đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trong các trường Đại học, Cao đẳng, Nhà trường liên tục khuyến khích và có cơ chế, tạo điều kiện về thời gian và kinh phí cho CB – GV của Nhà trường được tham gia học tập. Số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường hằng năm không ngừng tăng lên cả về số lượng và trình độ.

Năm học đầu tiên 2003 – 2004,  Nhà trường mới có 37 cán bộ, giáo viên, sang năm học thứ 2, 2004 – 2005 là 80 người. Sau 5 năm kể từ ngày thành lập trường, năm 2008 đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường tăng lên đáng kể cả về số lượng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ với 35% số lượng cán bộ, giáo viên đạt trình độ Thạc sỹ trở lên và đang theo học Sau đại học, 02 đồng chí được Nhà trường cử đi làm Nghiên cứu sinh.

Đến nay, số lượng cán bộ và giáo viên cơ hữu của nhà trường là 99 người. Trong đó:

+ Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ: 02

+ Thạc sỹ: 57

+ Kỹ sư, Cử nhân: 34

+ TĐ khác: 6

Dù trong giai đoạn nào, Nhà trường cũng không ngừng quan tâm và luôn tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên Nhà trường được học tập, nâng cao trình độ. Trên 90% giáo viên Nhà trường đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy bậc đại học. Tât cả vì mục tiêu đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo của trường với phương châm “Đổi mới – Sáng tạo - Hiệu quả - Hội nhập – Phát triển”.

 

3. QUY MÔ ĐÀO TẠO QUA CÁC NĂM

Quy mô đào tạo của Nhà trường ngày càng được mở rộng. Trong năm học đầu tiên Nhà trường Nhà trường chỉ có 257 sinh viên với 5 lớp, 4 ngành đào tạo (Công nghệ Thông tin - Truyền thông, Quản trị kinh doanh, Công nghệ tự động, Công nghệ Điện tử - Viễn thông thì những con số đó đã dần thay đổi qua từng năm học.

Năm học 2004 - 2005: Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics có thêm 2 ngành đào tạo hệ Trung cấp chuyên nghiệp chính quy: Kỹ thuật viên tin học và Kỹ thuật điện tử viễn thông nâng tổng số học sinh – sinh viên toàn trường lên 1200 người.

Năm học 2005 – 2006: Nhà trường bắt đầu mở và tuyển sinh thêm bậc đào tạo mới: Đào tạo nghề dài hạn (Bước đầu thực hiện mô hình đào tạo đa cấp: Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và Nghề dài hạn). Trong năm học này, nhiều ngành, chuyên ngành mới được bổ sung ở các bậc đào tạo như: Kế toán doanh nghiệp (bậc Cao đẳng); Kế toán – Tin học, Kỹ thuật máy tính và Tin học quản lý (Bậc trung cấp chuyên nghiệp).

Ngoài hệ chính quy trường còn duy trì và phát triển hệ đào tạo từ xa, xúc tiến liên thông, liên kết phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của học sinh, sinh viên. Năm học này, Nhà trường chính thức liên kết đào tạo Hệ Vừa làm vừa học bậc Cao đẳng ngành Kế toàn với trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Tổng số học sinh, sinh viên của trường trên 2.000 em. Đây cũng là năm học mà thế hệ học sinh sinh viên đầu tiên Nhà trường tốt nghiệp.

Năm học 2006 - 2007: Nhà trường mở thêm các ngành, chuyên ngành đào tạo: Quản trị thương mại điện tử, Nghề Điện Công nghiệp, Điện Dân dụng, Nghề lắp ráp và sửa chữa thiết bị ngoại vi. Nâng tổng số các ngành, nghề đào tạo của Nhà trường lên 8 ngành, chuyên ngành, nghề. Trường liên kết đào tạo, liên thông từ Cao đẳng lên Đại học với Viện Đại học Mở Hà Nội đối với các ngành Công nghệ Thông tin, Điện tử viễn thông. Với 1.346 học sinh, sinh viên khoá mới nhập học đã nâng tổng số học sinh sinh viên toàn trường lên hơn 3.000 em.

Năm học 2007 - 2008: Nhà trường tiếp tục đầy mạnh thực hiện mô hình đào tạo đa cấp, đa ngành, đa hệ; Nhà trường dự kiến mở thêm các ngành và chuyên ngành đào tạo mới như: Thiết kế đồ hoạ, Ngân hàng, Văn hoá du lịch, … đưa tổng số ngành và chuyên ngành đào tạo của Nhà tường lên tới 18 ngành và chuyên ngành. Đây còn là năm học đầu tiên Nhà trường có đầy đủ các chỉ tiêu tuyển sinh các bậc hệ liên thông, tại chức. Số lượng tuyển sinh Cao đẳng, TCCN hoàn thành chỉ tiêu cao nhất so với các trường Cao đẳng trên địa bàn thành phố Hải Phòng (trên 1.500 em). Tổng số học sinh, sinh viên của trường gần 4.000 em.

Năm học 2008 – 2009: Với gần 2.000 học sinh, sinh viên khoá 6 nhập học nâng số lượng học sinh, sinh viên của trường lên gần 5.000 em ở 7 ngành, 14 chuyên ngành đào tạo của 3 bậc đào tạo từ Trung cấp nghề, TCCN đến trình độ Cao đẳng. Ngoài hệ đào tạo chính quy trường còn liên kết với một số trường Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tổ chức đào tạo liên thông từ Cao đẳng lên Đại học hệ chính quy và đào tạo hệ vừa làm vừa học; tại trường, đào tạo liên thông từ TCCN lên Cao đẳng hệ chính quy đảm bảo cho học sinh, sinh viên có điều kiện hoàn chỉnh kiến thức, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên của trường và các trường lân cận tham gia.

Năm học 2009 – 2010: Là năm học đầu tiên Nhà trường tiến hành tuyển sinh ở hai ngành đào tạo mới là Tài chính - Ngân hàng và Việt Nam học, nâng tổng số ngành và chuyên ngành lên 11 ngành và 16 chuyên ngành. Số lượng học sinh, sinh viên của trường cũng không ngừng tăng lên với hơn 5.000 em. Điều đó đã khẳng định tốc độ phát triển về quy mô đào tạo của Nhà trường.

Năm học 2010 – 2011: Nhà trường tiếp tục duy trì và phát huy tiềm năng, thế mạnh của bản thân trong công tác đào tạo, đẩy mạnh công tác tuyển sinh; phối kết hợp với các tổ chức chính trị xã hội như Thành đoàn Hải Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tham gia tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 của các trường THPT trên địa bàn thành phố.

Năm học 2011-2012: Trường đã mở rộng quy mô với 2 chuyên ngành mới là Điện tử Y tế và Kế toán hành chính, công tác Tuyển sinh cũng được đẩy mạnh  và nâng cao, hoàn thành chỉ tiêu cao nhất so với các trường Cao đẳng trên địa  bàn thành phố Hải Phòng, trường đón nhận lượng HSSV khóa 9 với  gần 2000 em. Ngoài ra, việc liên kết đào tạo với các trường ĐH nước ngoài cũng được tăng cường, tháng 3 năm 2012, trường khai giảng khóa học Thạc sĩ ĐH Grigg (Hoa Kỳ) khóa đầu tiên.

 

4. VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Cơ sở vật chất của Nhà trường luôn được Tổng Công ty chú trọng đầu tư, xây dựng, hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm, phòng đọc, thư viện và các trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập như máy chiếu, hệ thống thiết bị âm thanh… Bên cạnh đó trường còn tích cực đầu tư nguồn tài liệu, giáo trình cho thư viện, mở rộng nguồn tài liệu giáo trình điện tử.

So với năm học đầu tiên trường chỉ có 01 dãy nhà 3 tầng, 05 phòng học nhà cấp 4 và 02 phòng thực hành (phòng thực hành máy tính và phòng thực hành điện tử cơ bản) thì đến nay Nhà trường đã có 2 cơ sở đào tạo (trong đó 01 cơ sở Nhà trường thuê mặt bằng). Với tổng số 38 phòng học lý thuyết, 14 phòng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu dự án với 230 máy vi tính.

Hệ thống phòng máy tính ở Khoa Công nghệ Thông tin được trang bị hoàn thiện gồm: 5 phòng máy tính nối mạng ADSL, Phòng thực hành mạng, Phòng thực hành đồ hoạ, Phòng thực hành Cấu trúc máy tính, Phòng thực hành Mã nguồn mở (do tổ chức JICA Nhật Bản tài trợ), Phòng thực hành Multimedia được trang bị hiện đại phục vụ hữu hiệu cho hoạt động dạy và học của Khoa và các chuyên ngành liên quan.

Khoa Điện - Điện tử cũng từng bước đầu tư, tăng cường hệ thống phòng thực hành theo các chuyên ngành đào tạo. Phòng thực hành PLC. Phòng thực hành Điện tử viễn thông, Phòng thực hành Điện cơ bản, Phòng thực hành Điện tử cơ bản, Phòng thực hành Điện tử viễn thông. Xưởng thực hành Điện tử.

Khoa Kế toán tài chính sử dụng hệ thống Phòng thực hành Mô phỏng phần mềm kế toán để hướng dẫn HSSV thực hiện lập sổ sách kế toán ngay trên máy tính.

Thư viện của trường đã được trang bị với hơn 1.000 đầu sách, trên 46.000 cuốn (chưa kể các loại báo và tạp chí chuyên ngành) gồm: sách đại cương, sách chuyên ngành. Từ năm học 2007 – 2008 Nhà trường đưa vào sử dụng Thư viện điện tử với phòng đọc 16 máy vi tính kết nối internet thu hút đông đảo học sinh, sinh viên đến nghiên cứu và học tập.

Bên cạnh đó Nhà trường còn trang bị sân tập thể dục, thể thao, căn tin phục vụ cán bộ, giáo viên, học sinh – sinh viên.

 

5. LIÊN KẾT ĐÀO TẠO & HỢP TÁC QUỐC TẾ

Hợp tác liên kết đào tạo, học tập trao đổi kinh nghiệm, mở rộng hội nhập và phát triển vừa là chủ trương vừa là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà trường. Trong những năm qua trường đã liên kết, hợp tác đào tạo với hàng trăm đơn vị, từ các Viện, Học viện, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Đào tạo nghề, … trong nước và quốc tế đến các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, các Hội, Hiệp hội các trường Đại học – Cao đẳng, Hiệp hội Khoa học – Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các đơn vị Quân đội, Hải Quân, Công An đã hỗ trợ giúp đỡ trường kinh nghiệm, chương trình giảng dạy và thực hành, hỗ trợ sinh viên từ đầu vào đến đầu ra.

Quan hệ hợp tác quốc tế luôn được coi là hoạt động có tầm quan trọng đối với sự phát triển, hội nhập của Trường, thực hiện chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2001 – 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001, Trường đã chủ động tìm kiếm và đề xuất hợp tác với một số đối tác là các công ty, cơ sở giáo dục và đào tạo ở các nước trong khu vực và châu Âu. Đoàn quốc tế đầu tiên đến làm việc tại trường là Công ty Mentor Graphics chuyên về thiết kế IC mạch tích hợp điện tử. Năm 2006 Nhà trường đã ký kết hợp tác quốc tế lần đầu tiên về đào tạo với ĐH Công nghệ, ĐH Ngoại ngữ - ngoại thương Quảng Đông Trung Quốc, Hợp tác đào tạo các ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông với Trường Đại học Công nghệ Quảng Châu – Trung Quốc. Dự án “Môi trường hợp tác đào tạo đa phương thức xuyên quốc gia (EMULACTION) bao gồm 6 trường từ 6 nước khác nhau tham gia gồm: Trường Isen – Brest - Cộng hoà Pháp, Trường đại học Ovidius – Rumani, Trường đại học Libanse – Lebano, Trường đại học Moncton – Canada, Trường đại học công nghệ Moldovei – Mondavi và Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics - Việt Nam.

Năm học 2011-2012, Nhà trường tiếp tục mở rộng liên kết Đào tạo ở các trình độ Cao đẳng, Đại học với một số trường như ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, ĐH Hải Phòng,  liên kết với Viện ĐH Mở về chương trình Du học tại chỗ do Học viện Box Hill (Úc) cấp bằng.

Năm học 2012 - 2013: Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh và triển khai các hoạt động Hợp tác với một số trường Đại học có uy tín trên thế giới. Vị thế quan hệ đối ngoại của nhà trường tiếp tục được nâng cao thông qua việc ký kết và triển khai hợp tác với các trường Cao đẳng, Đại học uy tín trên thế giới như Đại học Bắc Alabama (Hoa Kỳ), Cao đẳng Croix Rouge (Pháp) . Việc ký kết hợp tác sẽ mang lại cơ hội học tập, nghiên cứu khoa học và hội nhập với cộng đồng Quốc tế.cho HSSV và Giảng viên của Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics.

 

6. MỘT SỐ THÀNH TÍCH NỔI BẬT

6.1 Đối với Nhà trường

Năm học 2004 – 2005:

Bằng khen “Đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ năm học 2004 – 2005” (Quyết định số 3039/QĐ/BCN ngày 28/09/2005) do Bộ Công nghiệp trao tặng.

Năm học 2005 – 2006:

Bằng khen “Đã có nhiều thành tích trong công tác xây dựng và phát triển Trường 3 năm học 2003 – 2004, 2004 – 2005, 2005 – 2006”. (Quyết định số 140/QĐ-UB ngày 25/05/2006) do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng tặng

Năm học 2006 – 2007:

- Bằng khen “Trường tiên tiến xuất sắc” (Quyết định số 1123/QĐ-BCT ngày 17/10/2007)  do  Bộ Công nghiệp trao tặng

- Cờ lưu niệm  “Đơn vị xuất sắc trong phong trào công nhân viên chức và hoạt động Công đoàn”. (Quyết định số 555/QĐ-CĐCN ngày 14/09/2007) do Công đoàn Công thương Việt Nam  trao tặng

Năm học 2007 – 2008:

- Bằng khen “Đã có nhiều thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2005-2006 đến năm học 2007-2008, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 26/05/2008) do Thủ tướng chính phủ trao tặng.

- Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng Bức trướng nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập trường 29/05/2003 – 29/05/2008. (Quyết định số 2943/QĐ-BGDĐT).

- Bằng khen “Đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ năm học 2007 – 2008”. (Quyết định số 395/QĐ-UB ngày 21/12/2007) do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng trao tặng.

- Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng tặng Bức trướng “5 Năm xây dựng và trưởng thành” (Quyết định số 110/QĐ-UBND ngày 25/04/2008).

- Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào TTN” năm 2006 – 2007 và 2007 – 2008 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng

- Cờ thi đua xuất sắc đã có thành tích hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ năm học 2007 - 2008 (Quyết định số 217/QĐ-UBND ngày 23/10/2008)  do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng trao tặng.

- Bằng khen và được công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho Trường đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” và thực hiện nhiệm vụ công tác khác năm học 2007 – 2008 (Quyết định số 5626/QĐ-BCT ngày 21/10/2008) trao tặng bởi Bộ Công thương.

Năm học 2008-2009:

Danh hiệu “Tập thể Lao động tiên tiến” đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” và thực hiện nhiệm vụ công tác khác năm học 2008– 2009 (Quyết định số 4873/QĐ- BCT ngày 02/10/2009) do Bộ Công thương công nhận.

Năm 2010 - 2011:

Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” và thực hiện nhiệm vụ công tác khác năm học 2010 - 2011 (Quyết định số 5367/QĐ-BCT ngày 17/10/2011)  do Bộ Công thương công nhận.

Năm học 2011 – 2012: 

Bằng khen cho “Doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc” năm 2011 do  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao tặng.

6.2 Đối với các tập thể và cá nhân

- Bằng khen Bộ Công thương cho tập thể Phòng Đào tạo và 04 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác và giảng dạy; Năm học 2006 – 2007 cho 03 cá nhân.

- Bằng khen UBND thành phố Hải Phòng:

+ Năm học 2005 – 2006 cho 02 tập thể (Khoa Cơ bản, Phòng Đào tạo), 04 cá nhân có thành tích xuất sắc nhân dịp kỷ niệm 3 năm thành lập trường.

+ Năm học 2006 – 2007 Nhà trường vinh dự được UBND thành phố Hải Phòng tặng Bằng khen vò có thành tích xuất sắc về công tác thi đua khen thưởng năm học; Khoa Công nghệ Thông tin, 08 cá nhân; 02 đồng chí đạt danh hiệu Đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng (Đ/c Bùi Duy Cường – Bí thư Chi Bộ, Đ/c Phạm Đức Chung – Phó Bí thư Chi Bộ).

- Giấy khen của Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam cho 01 tập thể và 09 cá nhân.

- Giải Nhất, Nhì Hội thi Giáo viên dạy giỏi bậc TCCN thành phố Hải Phòng năm học 2006 – 2007 (Cô Nguyễn Thị Phương Anh - Khoa Công nghệ Thông tin, Cô Phạm Khánh Hương - Khoa Cơ bản). 

- Giải Ba Hội thi Giáo viên dạy giỏi toàn quốc năm 2009 (Cô Lê Thị Huyền - Bộ môn Tiếng Anh, Khoa Cơ bản).

6.3 Các tổ chức đoàn thể

- Công đoàn Nhà trường vinh dự nhận Cờ xuất sắc toàn diện của Ban chấp hành Công đoàn Công nghiệp Việt Nam; Bằng khen của BCH Công đoàn Công nghiệp Việt Nam cho 2 tập thể và 3 cá nhân năm học 2006 - 2007.

- Bằng khen của TW Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho Đoàn trường năm học 2005 – 2006, 2007 – 2008, Liên chi Kinh tế Quản lý (năm học 2005 – 2006) và 02 cá nhân.

- Bằng khen Thành đoàn Hải Phòng: Đoàn trrường các năm 2005 - 2008 và nhiều cá nhân khác.

6.4 Đối với học sinh, sinh viên

- Giải khuyến khích cuộc thi Phần mềm sáng tạo thành phố Hải Phòng (SV Phạm Văn Biên – 2CNT – K2A).

- Giải thưởng Sao tháng giêng của TW Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng (SV Phạm Thị Hồng Hạnh – CNTK2A, Nguyễn Thị Ngọc Mai – 2ĐT-K4).

- Học bổng Nguyễn Thái Bình do Báo Tuổi trẻ trao tặng (SV Đoàn Thị Huyền - lớp 4KT-K3A)

 

7. CÁC MỐC LỊCH SỬ

Ngày 29/5/2003: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định thành lập trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics theo Quyết định số 2445/QĐ/BGD&ĐT-TCCB.

Ngày 10/01/2004: Quận Uỷ Hải An ký quyết định thành lập Chi bộ Đảng Nhà trường trực thuộc Quận uỷ Hải An.

Ngày 18/01/2004: Tổ chức công đoàn của trường được thành lập.

Ngày 16/02/2004: Quyết định thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics trực thuộc Quận Đoàn Hải An.

Ngày 17/2/2004: Công bố Quyết định thành lập Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics và Lễ khai giảng năm học 2003 – 2004 với sự chứng kiến, chung vui của Lãnh đạo các Bộ, Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam (Nay là Tổng Công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam), Thành phố Hải Phòng; Lãnh đạo các ngành, chính quyền địa phương và các trường Đại học, Cao đẳng; Là mốc son ghi dấu sự hình thành của Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics.

Ngày 05/08/2005: Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng ký quyết định số 329/QĐ/ĐTN tiếp nhận Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics chính thức trực thuộc Thành đoàn Hải Phòng.

Ngày 29/05/2006: Kỷ niệm 3 năm thành lập trường, tổ chức triển lãm công nghệ chào mừng 3 năm thành lập.

Ngày 18/8/2006: Lễ Bế giảng đầu tiên được tổ chức với 450 học sinh, sinh viên tốt nghiệp.

Tháng 2/2008: Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics Ký giao ước thi đua trong Khối các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố Hải Phòng và nhận trọng trách là Trưởng Khối thi đua.  

Ngày 29/05/2013: Kỷ niệm 10 năm thành lập trường và đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương và bức trướng của UBND thành phố Hải Phòng.

Ngày 24/10/2013: Nhà trường đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng      

Ngày 29/11/2013:  Nhà trường được Bộ GD & ĐT giao nhiệm vụ đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo 2 ngành mới, đó là: Tiếng Anh và Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử (trình độ Cao đẳng hệ chính quy).